Đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở các ấp, xã vùng sâu, vùng ven biên giới huyện Giang Thành (Kiên Giang) vẫn còn nhiều khó khăn, việc đi lại chủ yếu bằng đường sông, nên học sinh đến trường cũng gặp nhiều trở ngại.Làm đường vào điểm trường Hà Giang - nơi ông Họt hiến đất xây phòng học. |
Thấy được những khó khăn đó, năm 1993, ông Huỳnh Văn Họt - nông dân người Khmer ngụ tại ấp Rạch Dứa, xã Phú Mỹ, đã đứng ra vận động bà con quyên góp cây lá, tiền của để xây dựng một lớp học tạm trên phần đất của gia đình, đồng thời tự bỏ tiền ra thuê thầy giáo đến dạy học cho con em địa phương. Ý tưởng này được bà con trong ấp đồng tình hưởng ứng.
Ông Họt cho biết, trước đây gia đình ông sinh sống ở vùng biên, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất chưa bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra nên bản thân ông không được đi học. Giờ đất nước hòa bình, mà nhiều con cháu người Khmer vẫn không được đến trường, ông đã quyết tâm đem con chữ về phum sóc.
Nhu cầu học chữ ngày càng cao, một phòng học không đáp ứng được yêu cầu, đến năm 1995, dù cuộc sống gia đình còn khó khăn nhưng ông Huỳnh Văn Họt đã tự nguyện hiến 1.700 m2 đất để xây dựng Trường Tiểu học điểm Hà Giang (ấp Rạch Dứa, xã Phú Mỹ). Ngôi trường đã góp phần giúp cho trên 70 trẻ em trong ấp có chỗ học tập ổn định.
Cháu Thị Dậy, học sinh lớp 3 ở điểm trường Hà Giang cho biết: “Nhờ có ông Họt mà chúng cháu có nơi học tập tốt, không phải đi xa nhà. Chúng cháu nguyện cố gắng học tập tốt để không phụ lòng ông”.
Còn ông Danh Sol, ngụ ấp Rạch Dứa phấn khởi nói: “Nếu như không có ông Họt đứng ra vận động mở lớp, đưa thầy về dạy thì mấy đứa con tôi không có điều kiện học chữ”.
Hiện nay, các con ông Sol nhờ biết chữ đã được học nghề và đang làm trong các công ty, xí nghiệp trên địa bàn thị xã Hà Tiên, có thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát nghèo.
Theo ông Lê Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, không chỉ có công rất lớn trong việc “cõng chữ” về cho con em ở vùng biên này, mà các phong trào phúc lợi xã hội khác.
Lê Sen