Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chuyến thị sát tại một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chỉ đạo các địa phương kiểm soát, đối phó với hạn, mặn. Đối với khâu tiêu thụ, dịch COVID-19 tiếp tục tác động bất lợi khiến nhiều mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu gặp không ít khó khăn. Những thách thức trên, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại một cách toàn diện, để vừa khai thác lợi thế, vừa phát triển ổn định gắn với thị trường, chuỗi giá trị.
Thích ứng nhanh trước khó khăn
Mùa khô năm 2019 - 2020, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016 (năm kỷ lục) ở mức độ gay gắt hơn. Từ đầu mùa khô đến nay, các đợt xâm nhập mặn liên tục xảy ra với mức cao. Nhiều cửa sông, độ mặn ở mức 4g/l (4 phần nghìn) đã ảnh hưởng sâu đến gần 100 km. Dự báo, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Tuy nhiên, trong chuyến thị sát tại khu vực này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá những thành công của Đồng bằng sông Cửu Long trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những vùng hạn, mặn nên diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 39.000 ha, chỉ bằng 9,6% so với thiệt hại năm 2016.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác định được tình trạng hạn, mặn có thể xảy ra trong năm nay nên ngay từ tháng 9/2019, Bộ đã yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng sửa chữa các công trình thủy lợi để kịp thời tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô 2019 - 2020, đồng thời chuyển đổi đa dạng hóa cây trồng.
Ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhiều dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý đã được đẩy nhanh tiến độ thi công phần chính công trình trước thời gian từ 2 - 13 tháng, kịp thời ứng phó hạn, mặn mùa khô 2019 - 2020 với vùng hưởng lợi kiểm soát mặn trực tiếp khoảng 80.000 ha, vùng tác động trên 300.000 ha.
Để tránh mặn trong sản xuất lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương xuống giống vụ Đông Xuân 2019 - 2020 sớm hơn so với thời vụ các năm từ 10 - 20 ngày. Đồng thời, các địa phương tổ chức chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất lúa có nguy cơ hạn, xâm nhập mặn cao đạt 50.000 ha. Ngoài ra, diện tích chủ động cắt vụ, giãn vụ đạt xấp xỉ 100.000 ha.
Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu không phải lúc nào cũng thuận lợi. Lĩnh vực chăn nuôi lợn là một minh chứng.
Mặc dù trên cả nước đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống, vật tư đầu vào đến sản xuất và chế biến, tiêu thụ, nhưng dịch tả lợn châu Phi bùng phát suốt hơn 1 năm qua khiến cả nước phải tiêu hủy khoảng 6 triệu con, tương đương tổng trọng lượng trên 342.000 tấn. Dịch đã khiến nghề chăn nuôi lợn tại các thủ phủ như Đồng Nai, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang... điêu đứng, các nông hộ, gia trại, trang trại nhỏ gần như "trắng" chuồng kéo theo nguồn cung sụt giảm, đẩy giá thịt lợn nhiều thời điểm tăng cao.
Để đảm bảo đàn lợn cũng như nguồn cung thịt, bên cạnh việc tích cực chống dịch, ngành nông nghiệp đã đôn đốc các địa phương phát triển gia súc khác, gia cầm và thủy sản; tái đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Do đó, ngay khi hết dịch nhiều địa phương và người dân đã tổ chức nuôi tái đàn lợn. Đến nay bước đầu có thịt lợn cung cấp ra thị trường và dự kiến sản lượng sẽ tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khi tận dụng chuồng trại để chăn nuôi gia cầm, các hộ đã phát triển khá mạnh với tổng đàn 467 triệu con, trong khi dịch cúm gia cầm đang xuất hiện tại 10 tỉnh, thành phố đã gây lo ngại dịch bệnh bùng phát.
Điều này đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp là tái cơ cấu quá nhanh, thiếu kiểm soát và cân nhắc thị trường sẽ gây nguy cơ rủi ro cao hơn. Đây cũng là bài học đối với ngành trồng trọt khi dịch COVID-19 xảy ra, thị trường Trung Quốc ngưng trệ khiến đứt gẫy tiêu thụ nhiều nông sản có thời vụ cao, ít được đưa vào chế biến như: dưa hấu, thanh long.
Xoay trục, gắn kết chuỗi sản xuất
Trong thế giới phẳng, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra tác động đến thương mại và sản xuất. Ngay cả thiên tai cũng đã và đang diễn ra bất thường, không theo quy luật thời tiết. Điển hình như hạn, mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo khả năng vẫn tiếp tục và không còn theo quy luật (thường 5 năm lặp lại như trước đây). Do đó, con người cần chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái biến đổi đó, điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ, nhưng phải gắn kết trong chuỗi sản xuất.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, tư duy đó đã được Thủ tướng Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chương trình, kế hoạch phát triển của Trung ương, địa phương, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp và người dân đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu theo hướng thuận thiên.
Trước tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh trong vùng cần có lộ trình, bước đi trước mắt và lâu dài để đảm bảo phát triển bền vững; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công nghiệp, dịch vụ, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để các lĩnh vực này đem lại hiệu quả; phấn đấu đóng góp hoàn thành mục tiêu đạt 42 tỷ USD xuất khẩu nông sản cả nước trong năm 2020. Ngoài ra, tận dụng tốt cơ hội đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành khác lập Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quy hoạch này sẽ đưa ra tất cả những cảnh báo, giải quyết bài toán về mặn, ngọt. Sản xuất nông nghiệp sẽ xoay trục từ cơ cấu sản xuất là lúa - trái cây - thủy sản, nhưng sau năm 2020, trục sản xuất sẽ là thủy sản - trái cây - lúa. Như vậy, lúa sẽ giảm, tăng trái cây, đặc biệt là thủy sản.
“Muốn xoay được trục này phải tận dụng được cơ hội, xác định nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên. Cùng với đó, hạ tầng nông nghiệp phải phục vụ được nhiệm vụ này. Nếu thủy lợi không phục vụ được thì không làm được vì hạ tầng quyết định tái cơ cấu”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ ra.
Chính vì vậy, hạ tầng thủy lợi giờ không chỉ là tưới tiêu mà phải đa mục tiêu, đáp ứng được yêu cầu sản xuất của tái cơ cấu nông nghiệp và sinh hoạt. Bởi vậy, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ngành sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản... để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn.
Cùng với hệ thống thủy lợi phát triển, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát diện tích nuôi trồng thủy sản, vườn cây ăn trái trong toàn vùng, đặc biệt tại 9 tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn với các giải pháp chủ động ứng phó. Ngành tiếp tục khuyến khích địa phương chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.
Với chăn nuôi, tuy dịch bệnh đã gây thiệt hại kinh tế lớn, nhưng ngành nông nghiệp cũng coi đây là cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, đặc biệt là thực thi Luật Chăn nuôi hiệu quả.
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, quá trình tái cơ cấu đã đưa số nông hộ chăn nuôi nhỏ giảm nhiều, nhưng để tránh những nông hộ bị “bỏ lại phía sau” sau những khó khăn từ dịch bệnh cũng như thị trường bởi các Hiệp định thương mại tự do, Nhà nước vẫn nên có chính sách đào tạo, hỗ trợ hộ chăn nuôi an toàn, tạo sinh kế. Vẫn có nhiều thị trường ngách để các hộ chăn nuôi nhỏ và vừa phát triển như: chăn nuôi hữu cơ, đặc sản… có chất lượng cao bởi nhu cầu trong nước rất lớn.
Doanh nghiệp lớn tiếp tục cùng địa phương xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Cùng với việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế thì sản xuất theo chuỗi liên kết là giải pháp quyết định hiệu quả và là chiến lược lâu dài của ngành.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những địa phương hay mặt hàng nào chưa hình thành được chuỗi sản xuất thì hết khó khăn này cũng sẽ phải đối mặt những sự cố khác. Do vậy, các địa phương phải cùng doanh nghiệp hướng dẫn, định hướng nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả, hình thành các hợp tác xã. Mọi khâu, công đoạn đều cần sự đồng hành, sản xuất có trách nhiệm bằng việc gắn kết, liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất lớn, chuỗi giá trị sâu.