Sẽ giúp tăng trưởng GDP trong nông nghiệp
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu thông qua vào ngày 12/2. Việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA đã đưa Việt Nam thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).
EVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU hiện nay của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với cấp độ hội nhập rất cao này mở ra cơ hội rộng lớn và toàn diện với ngành nông nghiệp.
“Đây là thị trường lớn với GDP đứng thứ 4 thế giới, lượng nhập khẩu nông sản khoảng 150 tỷ USD, trong khi ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang toàn cầu mới 40 tỷ USD, và xuất sang EU mới đạt 5 tỷ USD. Cho nên sẽ còn nhiều dư địa đưa hàng hóa của Việt Nam sang EU. Cùng với đó, thu nhập người dân EU cao nhất thế giới (gần 40.000 USD), họ sẵn sàng mua hàng có chất lượng cao hơn, tiêu chuẩn cao hơn. Đây là cơ hội tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình cả về số lượng và chất lượng”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khi EVFTA có hiệu lực thì Việt Nam có nhiều cơ hội. Cơ hội đầu tiên là giảm thuế. EU là trường hợp đầu tiên giảm thuế cho cả hàng chế biến nông sản, điều này mang lại nhiều lợi ích bởi Việt Nam có cơ hội mang hàng sang EU với mức giá cạnh tranh hơn.
“Theo ước lượng của một số nhóm nghiên cứu của chúng tôi, EVFTA sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam lên cỡ trên 1 tỷ USD vào EU, giúp tăng trưởng GDP trong nông nghiệp đạt cỡ 0,4 – 0,5 %”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết.
Cùng quan điểm, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, với việc tham gia FTA thế hệ mới, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên cũng có thuận lợi là cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cao, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Cạnh tranh gay gắt sẽ chỉ ở một số lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu trong khi EU lại rất mạnh như logistic, chăn nuôi…
Theo ông Lương Hoàng Thái, mặt hàng e ngại nhất về cạnh tranh là nông sản, vì chuyển đổi cơ cấu trong nông sản là khó hơn lĩnh vực khác. Tuy nhiên, EU cũng linh hoạt với một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình tương đối dài để mở cửa như lộ trình thịt gà là 10 năm, thịt lợn là 7 năm.
Ông Thái cho biết thêm, hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ 2 các nước ASEAN xuất sang EU. Điều này chứng tỏ sau một thời gian hội nhập, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên, khi chưa có EVFTA, kết quả đã như vậy thì khi EVFTA có hiệu lực sẽ có cơ sở hơn nữa để Việt Nam vươn lên.
Cần cải cách thể chế hơn nữa
Đánh giá về những thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, EU là một trong những thị trường khắt khe với nông sản với hàng loạt yêu cầu cao như khai thác gỗ phải có chứng chỉ gỗ rừng trồng, khai thác thủy sản bền vững về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh... Đây là thách thức và cũng là cơ hội đối với Việt Nam nhưng nếu vượt qua ngưỡng này có thể đưa nông sản của Việt Nam không chỉ sang EU mà có thể xuất sang các thị trường khác.
“Thách thức lớn với ngành nông nghiệp là làm sao để tận dụng cơ hội khi giảm thuế. Trong bối cảnh sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa chuỗi liên kết nên rất khó quản lí từ đầu đến cuối chuỗi sản xuất. Do đó, yêu cầu bức thiết là phải tổ chức lại sản xuất, đổi mới mô hình sản xuất ngành nông nghiệp, hướng tới đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, kéo doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp. Đồng thời, rà soát lại tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng lực của ngành thì mới đáp ứng được các yêu cầu của chị trường cao cấp như EU”, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.
Cùng với đó, cần tăng cường hiệu lực của hệ thống kiểm định chất lượng. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với sự hỗ trợ của các bộ ngành, tổ chức quốc tế đã tập trung đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống này để tăng cường năng lực hàng hóa trong nước, đồng thời có thể kiểm tra được chất lượng hàng hóa nước ngoài đưa vào Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, song song với các thuận lợi, vẫn còn nhiều thách thức phía trước mà Việt Nam cần phải vượt qua. Thách thức đầu tiên chính là quy định về xuất xứ hàng hóa, khi nguyên liệu nhiều ngành của Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Cùng với đó là hàng rào kỹ thuật và quy định về vệ sinh dịch tễ rất cao cùng các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía EU.
“Nền tảng của tất cả là năng lực cạnh tranh của hàng hóa, trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức trung bình của thế giới, chúng ta vươn tới châu Âu, cạnh tranh với châu Âu là cạnh tranh với những doanh nghiệp có năng lực hàng đầu thế giới. Vì thế, việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là quan trọng nhát. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải quay trở lại cải thiện môi trường kinh doanh. Phải bắt đầu từ thể chế”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Do đó, các cấp, các ngành cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian của thủ tục hành chính. “Chúng ta mở đường cao tốc với EU thì phải mở cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp. Sắp tới cần rà soát các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc ví von.