Thị trường là khâu quyết định tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2020

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 30/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2020, bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì cũng có nhiều thách thức lớn về thương mại, thị trường, biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp; trong đó thị trường được coi là khâu quyết định tới tăng trưởng của ngành.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

“Do vậy việc nâng cao kỹ năng, năng lực ứng phó với các tình huống xảy ra được coi là giải pháp thường trực cần hướng tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2020 chỉ tiêu của ngành nông nghiệp là khá cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 2,91 - 3%; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 41,5 - 42 tỷ USD; có ít nhất 59% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các biện pháp, kế hoạch thực hiện để phấn đấu đạt được các chỉ tiêu cao nhất mà Nghị quyết của Chính phủ đề ra.

Về phát triển thị trường, đây là khâu quyết định tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung; trong đó bên cạnh các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc thì đặc biệt coi trọng hướng tới thị trường ASEAN. Bộ Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp, ngành hàng chuẩn bị đủ các điều kiện để thực hiện tốt vấn đề này.

“Vừa rồi rất hoan nghênh tỉnh Bắc Giang khi vừa mới có công bố việc Nhật Bản mở cửa thị trường với vải thiều thì tỉnh đã mời Bộ về làm việc bàn kỹ các giải pháp, ngay từ đầu chuẩn bị đủ các điều kiện để tháng 4/2020 có sản phẩm có thể xuất đi Nhật. Hay như tháng 2 cũng phải bàn ngay về thị trường xuất gạo đối với phía Philippines cũng như thị trường ASEAN”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, kể cả 3 trục sản phẩm là: nhóm sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhóm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đều phải coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đặcbiệt là công nghệ 4.0, đây cũng là một trong những giải pháp quyết định.

Trong sản xuất chuỗi khép kín, từ khâu sản xuất, khâu chế biến, thương mại thì xác định chế biến là khâu đột phá, có chế biến tốt mới có vùng nguyên liệu tốt, thương mại bán hàng tốt… để từ đó xây dựng chuỗi liên kết.

Riêng về nông thôn mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cương cho rằng việc nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy sản xuất ở vùng nông thôn gắn với môi trường là vấn đề cốt lõi.

Thủ tướng đã giao cho ngành nông nghiệp phối hợp đánh giá, xây dựng định mức kế hoạch nguồn nhân lực tới năm 2025 cho chương trình xây dựng nông thôn, làm sao phải tăng cường nguồn nhân lực cho khu vực này, nguồn lực trung hạn cũng phải tăng lên để giảm sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới các giải pháp tăng cường ứng phó thiên tai, dịch bệnh ngay từ đầu năm; khắc phục việc thiếu hụt 40 – 50% nguồn nước ở phía Bắc; khắc phục hạn mặn xâm nhập ngày càng nghiêm trọng ở các tỉnh phía Nam. Đối với thị trường thịt lợn, đang tập trung tái đàn dần ở các tỉnh để tháng 1 không xảy ra thiếu thực phẩm, tránh để chỉ số giá tiêu dùng tăng cao ngay từ quý đầu năm.

Hoàng Tùng (TTXVN)
Ngành nông nghiệp nhìn lại một năm vượt khó
Ngành nông nghiệp nhìn lại một năm vượt khó

Những khó khăn bao trùm từ sản xuất trong nước đến xuất khẩu, nhưng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, triển khai các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN