Xe Trung Quốc: Xế hộp nhập kiểu 'cắc bụp', xe tải dần 'bật bãi' khỏi Việt Nam

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập từ Trung Quốc về Việt Nam năm 2018 chủ yếu là xe tải, xe khách, còn xe con chỉ nhập "cắc bụp" theo một số đầu mối lớn tại Hải Phòng. Lượng xe tải từ Trung Quốc nhập về Việt Nam cũng giảm sút mạnh do có sự cạnh tranh từ các dòng xe lắp ráp trong nước.

Cụ thể, trong tháng 12/2018, Việt Nam chỉ ghi nhận lượng nhập hơn 50 chiếc xe con dưới 9 chỗ ngồi xuất xứ Trung Quốc, đây là lượng xe nhập thấp nhất trong năm 2018.

Trước đó, tháng 11, có 62 chiếc xe con Trung Quốc nhập vào Việt Nam, tháng 10 có hơn 106 chiếc và tháng 9 có hơn 72 chiếc. Các tháng trở về trước, lượng xe con Trung Quốc về Việt Nam không quá nhiều so với các tháng gần đây.

Chú thích ảnh
Một số loại xe con Trung Quốc nhập vào Việt Nam (ảnh minh họa)

Hiện tại, các dòng xe của thương hiệu Zotye, Haima và Baic, ngoài ra có lác đác thương hiệu khác nhưng đều là hàng nhái của Land Rover hay Jaguar. Về hình thức và kết cấu xe, hầu hết các dòng xe Trung Quốc thế hệ mới nhập vào Việt Nam là dòng SUV đô thị và SUV cỡ lớn với mức giá rất cạnh tranh dưới 800 triệu đồng.

Các dòng xe được quảng cáo khung, sườn và máy đều được thiết kế bắt mắt, ấn tượng và được quảng cáo liên doanh, mua lại mẫu, máy từ các hãng danh tiếng như Mitsubishi, BMW hay Volvo...

Mặc dù chưa có bất kỳ khẳng định nào về chất lượng các xe nhập từ Trung Quốc của các cơ quan chức năng hoặc giới chuyên gia, song gần đây đã có khách hàng Việt mua và sử dụng xe này tại các đô thị lớn, nhiều nhất phải kể đến thương hiệu Zotye.

Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại chất lượng những mẫu xe Trung Quốc tại Việt Nam khi bài học xương máu của người tiêu dùng về chiếc xe gắn máy một thời và những chiếc xe cỏ thất bại thảm hại ở Việt Nam trước đây là Lifan, Chery...

Bất lợi lớn nhất của các thương hiệu xe Trung Quốc tại Việt Nam là niềm tin chất lượng bởi hiện các xe chính hãng từ Trung Quốc đều được phân phối vào Việt Nam thông qua đại lý.

Các đại lý này cũng phân phối một hay nhiều dòng xe của các hãng khác nhau, không phải độc quyền cho một hãng xe nhất định. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý tháo chạy của các dòng xe này tại Việt Nam nếu kinh doanh trồi sụt.

Ngoài xe con, năm 2018, xe tải và xe khách Trung Quốc cũng thất bát ở Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2018, cả nước chỉ nhập 1.300 chiếc xe các loại, trong khi đó cùng kỳ năm 2017, lượng nhập đạt trên 10.100 chiếc xe các loại. Lượng nhập xe từ Trung Quốc năm nay chỉ bằng 1/10.

Loại xe suy giảm mạnh nhất là xe tải siêu trường siêu trọng, xe tải nhỏ và xe khách. Hiện, các dòng Howo, Faw, Shacman, Dongfeng của Trung Quốc đang phải cạnh tranh rất mạnh bởi các dòng xe lắp ráp và sản xuất tại Việt Nam như Hyundai, Thaco, Suzuki, Mitsubishi, Hino, Isuzu hay Fuso, Kia... Riêng dòng xe tải hạng nặng của Trung Quốc đang phải cạnh tranh rất mạnh bởi Hyundai, Thaco, Hino hay Isuzu.

Theo Dân trí
Xe hơi VinFast đắt hay rẻ?
Xe hơi VinFast đắt hay rẻ?

Rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi hãng xe Việt VinFast công bố giá bán các sản phẩm ô tô đầu tiên với cam kết “không chi phí khấu hao, không chi phí tài chính vào giá thành sản phẩm và không lấy lãi” nhưng vẫn cao so với những xe cùng phân khúc tại… Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về tài chính, sự so sánh này là khập khiễng vì chính những chiếc xe đó khi về tới Việt Nam lại bị đội giá lên rất nhiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN