Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ - chủ đầu tư dự án Đường vành đai phía Tây, đến nay dự án đã khởi công được 4/7 gói thầu thi công xây lắp. Giá trị thực hiện đến nay của 4 gói thầu đạt khoảng 369 tỷ đồng, đạt 16,92% giá trị hợp đồng.
Các gói còn lại đã có kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án mới có kết quả thẩm định hồ sơ dự toán.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện đã hoàn thành kiểm đếm nhà, vật, kiến trúc, cây trồng, phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ cho 672 hộ dân với số tiền là 1.002 tỷ đồng (đạt 54%). Các địa phương đã tiến hành chi trả cho 653 hộ dân với số tiền 975,24 tỷ đồng (đạt 52,5%), bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đạt khoảng 50%.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ, dự án Đường vành đai phía Tây đang gặp một số vướng mắc như khoảng hơn 50% tổng số hộ dân bị ảnh hưởng đã được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và đã bàn giao mặt bằng, nhưng còn những hộ dân chưa được phê duyệt do vượt tổng mức đầu tư nên mặt bằng chưa liên tục nên chưa thể triển khai thi công đồng bộ được toàn bộ các gói thầu số 16, 17, 19.
Bên cạnh đó, các khu tái định cư của các quận, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và một số khu tái định cư chưa có giá nền tái định cư nên chưa đủ điều kiện để bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Hiện nay, công tác đắp nền đường bị chậm tiến độ do nguồn cát đắp nền đang khan hiếm.
Đối với việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng gồm: đường dây điện trung, hạ thế của Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ và hệ thống cấp thoát nước của Công ty cổ phần cấp nước Cần Thơ 2, đơn vị thực hiện đang hoàn tất thủ tục để làm cơ sở xem xét bồi thường, hỗ trợ di dời theo quy định nên chưa thực hiện di dời, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân đến 31/1/2025 đạt tỷ lệ trên 95%, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND thành phố làm việc với các địa phương có nguồn cung cấp cát hỗ trợ cung cấp cát cho dự án.
UBND các quận: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều và huyện Phong Điền chỉ đạo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ xét pháp lý, phê duyệt và bàn giao mặt bằng các gói thầu đang triển khai thi công như gói 16, gói 17, gói 19 và gói 20, khi chủ trương và tổng mức dự án được phê duyệt.
Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ đề nghị Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất các quận, huyện, Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ, Công ty cổ phần cấp nước Cần Thơ 2 hoàn tất các thủ tục để làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ di dời theo quy định…
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Sở Giao thông vận tải thành phố cố gắng hoàn thành hồ sơ điều chỉnh các gói thầu còn lại trong tháng 6/2024 để trình HĐND thành phố xem xét tại kỳ họp giữa năm. Ưu tiên bố trí vốn cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và các hạng mục xây cầu vì làm cầu cần nhiều thời gian, hạn chế đấu thầu các gói thầu mới trong thời gian chưa bố trí đủ vốn.
Các quận, huyện tập trung cho công tác xây dựng các khu tái định cư để bố trí cho người dân bị ảnh hưởng dự án. Đây là việc cần ưu tiên làm ngay bởi nếu kéo dài sẽ có nguy cơ dự án phải tăng tổng mức đầu tư. Đối với đơn vị thi công cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, dự án Đường vành đai phía Tây là dự án chiến lược của thành phố, khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho Cần Thơ. Dự án hoàn thành sớm chừng nào thì sẽ giúp tốc độ đô thị hóa của thành phố nhanh chừng đó.
Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị UBND thành phố sớm ban hành quy hoạch 1/2000 để khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường khi dự án đi vào khai thác.
Dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C) được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công ngày 17/11/2022. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3.838 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.838 tỷ đồng); trong đó, chi phí xây dựng 2.684 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng… Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2026. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 1.243 trường hợp; trong đó có 464 trường hợp cần bố trí tái định cư.
Theo thiết kế, tuyến đường vành đai phía Tây có điểm đầu nối Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn, đi qua các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều, Cái Răng rồi nối vào Quốc lộ 61C. Toàn tuyến dài 19,3 km, mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5m (phần mặt đường 11m), vận tốc thiết kế 50 - 60 km/giờ... với 25 cầu; trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài 518 m, 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2026.
Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cũng đi kiểm tra tiến độ cầu Tây Đô bắc qua sông Cần Thơ trên địa bàn huyện Phong Điền.
Cầu Tây Đô gồm hai đơn nguyên, tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng, khởi công ngày đầu năm 2022 do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Đơn nguyên 1 đã hoàn thành và thông xe đầu năm 2023. Đây là một trong tám dự án trọng điểm của Cần Thơ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hiện các hạng mục thi công đơn nguyên 2 đã hoàn thiện, dự kiến công trình sẽ khánh thành trong dịp lễ 30/4.