Phát biểu trong buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp, các địa phương cùng đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cầu trong dự án trên địa bàn tỉnh. Để thi công cầu mới thì phải tháo dỡ cầu cũ, đồng thời, phải di dời những công trình hạ tầng kỹ thuật như: điện, cáp viễn thông, ống dẫn nước sạch…
Ông Nguyễn Xuân Sang lưu ý, chính quyền địa phương và ngành chức năng tính toán, có phương án hiệu quả trong việc cung cấp điện, nước sinh hoạt nhằm hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Theo Ban Quản lý các dự án đường thủy (thuộc Bộ Giao thông vận tải), Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn I (khu vực phía Nam) được triển khai thực hiện từ tháng 1/2024 - 12/2025.
Dự án sẽ xây dựng mới, cải tạo và tháo dỡ tổng cộng 11 cầu với số vốn khoảng 2.155 tỷ đồng; trong đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sẽ xây mới 2 cầu là cầu Sa Đéc (thành phố Sa Đéc), cầu Hồng Ngự (thành phố Hồng Ngự) và cải tạo, nâng cao tĩnh không cầu Giồng Găng (huyện Tân Hồng).
Ông Trần Quốc Bảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết, trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có gặp khó khăn, vướng mắc là hiện nay do việc phải điều chỉnh nguồn vốn giải phóng mặt bằng cho các địa phương từ năm 2023 sang năm 2024 nên việc phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và tiến hành chi trả chỉ được thực hiện sau khi có nghị quyết thu hồi đất bổ sung trong năm 2024. Do đó, chưa kịp thời di dời những công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trên cầu cũ, chi trả đền bù và bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.
Để xây dựng cầu Sa Đéc, Hồng Ngự và Giồng Găng, cần thu hồi tổng diện tích đất gần 5 ha, phải bồi thường cho hơn 180 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, công trình cầu Giồng Găng và Hồng Ngự đã hoàn thành thực hiện đo đạc, kiểm đếm tại hiện tường; đang lập, hoàn thiện và trình phương án bồi thường cho người dân.
Còn giải phóng mặt bằng ở cầu Sa Đéc có phần chậm hơn, hiện nay, vẫn đang thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm tại hiện trường. Tất cả 3 công trình này đều chưa thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như: điện, hệ thống cung cấp nước sạch, cáp viễn thông…
Trước tình hình trên, Ban Quản lý các dự án đường thủy đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chấp thuận việc kéo dài kế hoạch vốn năm 2023 còn lại sang năm 2024. Đối với giải phóng mặt bằng các cầu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Công ty Điện lực Đồng Tháp, Công ty cổ phần Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp khẩn trương hoàn thiện phương án, tổ chức di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý các dự án đường thủy yêu cầu trong tháng 4/2024, tỉnh Đồng Tháp hoàn hiện phương án bồi thường, sớm chi trả; bàn giao mặt bằng xây dựng cầu thuộc Dự án trước ngày 30/6/2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang cho biết, chính quyền địa phương đang cố gắng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để sớm giao mặt bằng "sạch", tạo điều kiện thuận lợi thi công 3 công trình cầu nói trên; xây dựng phương án bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất để bà con có nơi ở ổn định.
Trong quá trình tháo dỡ cầu cũ để xây dựng cầu mới, lực lượng chức năng cần quan tâm việc điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Tỉnh sẽ phối hợp tích cực với Ban Quản lý các dự án đường thủy, kịp thời nắm tình hình, giải quyết những khó khăn phát sinh.