Trên đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế năm 2024 của tỉnh An Giang được ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2024, do UBND tỉnh An Giang tổ chức ngày 5/4.
Ông Lê Văn Phước cũng yêu cầu các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh làm việc với bộ, ngành trung ương về đẩy nhanh đầu tư các dự án như tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C); dự án tuyến đường tránh Quốc lộ 91 qua huyện Châu Phú; dự án cầu Tân Châu - Hồng Ngự trên Quốc lộ N1; dự án xây dựng cầu Tôn Đức Thắng nối thành phố Long Xuyên với cồn Mỹ Hòa Hưng, quê hương Bác Tôn.
Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế, An Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP trong 6 tháng năm 2024 đạt từ 7,46 - 8,12%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,04%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 12,16 - 13,36%; khu vực dịch vụ tăng 9,47 - 11,02%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,8 - 2%.
Để đạt được mục tiêu trên, khu vực nông, lâm, thủy sản tỉnh An Giang tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa vụ Đông Xuân và chuẩn bị cho vụ Hè Thu; chủ động triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai, nhất là hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở... Tỉnh tập trung hoàn thiện, vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp; duy trì xuất khẩu nông, thủy sản vào các thị trường truyền thống, đồng thời phát triển thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng...
Đối với khu vực công nghiệp, xây dựng, ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, tỉnh tập trung nguồn lực thi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đoạn qua An Giang; kiên quyết xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu thi công chậm trễ, thiếu trách nhiệm. Tỉnh cũng đẩy mạnh việc bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất để triển khai các dự án trọng điểm, các dự án xây dựng khu, cụm công nghiệp, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
“An Giang cũng đẩy mạnh mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và logistics, đầu tư các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, kết nối du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch. Tỉnh cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung thực hiện mọi giải pháp để cải thiện xếp hạng chỉ số môi trường cạnh tranh cấp tỉnh một cách thực chất, hiệu quả nhất. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với tỉnh An Giang”, ông Tâm thông tin tại hội nghị.
Để đạt mục tiêu GRDP cả năm tăng 7,5 - 8,5%, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, lưu ý 3 chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, tập trung tối đa, dồn mọi nguồn lực đẩy nhanh thi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua An Giang và các dự án trọng điểm của tỉnh; tổ chức khánh thành cầu Châu Đốc cuối tháng 4/2024; triển khai nhanh tuyến tránh thành phố Long Xuyên đúng kế hoạch đề ra.
Ông Phước cũng yêu cầu các sở, ngành triển khai nhanh các phương án phòng chống hạn, mặn, tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản ở các mỏ cát theo nội dung cấp bản xác nhận cấp cho công trình cao tốc, đồng thời khảo sát, lập thủ tục khai thác mỏ cát mới để đáp ứng nhu cầu...
Ba tháng đầu năm 2024, GRDP An Giang tăng 5,39%, đứng thứ 4/13 các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ sau Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau và đứng thứ 33/63 trong cả nước. Đây là dấu hiệu khởi sắc những tháng đầu năm; trong đó, cả 2 khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.
Trong 3 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp An Giang khôi phục mạnh mẽ; hoạt động thương mại nhộn nhịp trở lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt trên 28.037 tỷ đồng, tăng gần gần 14,85% so cùng kỳ. An Giang đón hơn 4,1 triệu lượt khách du lịch, tăng 2,5% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 300 triệu USD, tăng gần 5,32% so cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước ước đạt 2.725 tỷ đồng, đạt gần 38% dự toán, tăng trên 16% so cùng kỳ...