TP Hồ Chí Minh xây dựng hạ tầng phát triển đô thị - Bài cuối: Giải ngân các nguồn vốn đúng tiến độ

Để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, góp phần nâng cao hiệu quả của công trình cũng như giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công đúng tiến độ, TP Hồ Chí Minh nhập cuộc quyết liệt với sự tham gia của các sở ngành, quận huyện; đồng thời, chủ động kiến nghị với Trung ương về những vấn đề vượt thẩm quyền để có hướng xử lý nhanh chóng, kịp thời.

Chú thích ảnh
Các đốt hầm nhánh N2 thuộc nút giao thông An Sương (Thành phố Hồ Chí Minh) được thi công trở lại và dự kiến thông hầm vào cuối tháng 7/2020. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Chuẩn bị nhiều dự án, công trình lớn

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, năm 2020 là năm Đảng bộ thành phố tập trung thúc đẩy các dự án trọng điểm; trong đó, dự kiến hoàn thành, khởi công 71 dự án với tổng mức đầu tư trên 62.000 tỷ đồng. Cùng đó, thành phố chuẩn bị 65 dự án cho các năm tiếp theo với tổng mức đầu tư hơn 254.000 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị thúc đẩy đầu tư cho 3 năm liền tính từ năm 2020. Do đó, khi được Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư thì TP Hồ Chí Minh sẽ có điều kiện triển khai các dự án nhanh hơn trong thời gian sắp tới.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, danh mục công trình, dự án có quy mô lớn đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư hoặc dự kiến trình chủ trương đầu tư trong năm 2020, trong trường hợp ngân sách thành phố đảm bảo được nguồn vốn và khả năng cân đối để đầu tư cho các dự án là 65 dự án với tổng mức đầu tư là hơn 254.561 tỷ đồng. 

Ngoài các dự án, công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, thành phố đã xây dựng danh mục các dự án, công trình đầu tư ngoài ngân sách, thu hút các nguồn vốn từ doanh nghiệp, tư nhân với nguồn vốn lớn như: khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa (Quận Bình Thạnh) gần 30.000 tỷ đồng; Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) khoảng 7.510 tỷ đồng; các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư hơn 33.600 tỷ đồng…

Về xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị bền vững, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng bộ thành phố đã nêu rõ, thành phố lập và rà soát quy hoạch xây dựng và cải tạo, chỉnh trang đô thị phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển giao thông đô thị bền vững qua từng giai đoạn; trong đó, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các quy hoạch về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có liên quan đến việc sử dụng đất, đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả...

Thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, bổ sung chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Đặc biệt, chú ý khai thác nguồn vốn từ mặt bằng, nhà xưởng, quyền sử dụng đất để có thêm nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; đẩy mạnh kêu gọi và tập trung thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP); nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí...

Vai trò “người kiến tạo”

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, trừ những dự án Nhà nước bắt buộc phải đứng ra thực hiện việc đầu tư do tính chất quan trọng hay do quy định của pháp luật, còn lại xây dựng cơ chế để thu hút doanh nghiệp, người dân thực hiện thì thành phố không trực tiếp đóng vai trò là “nhà phát triển dự án" mà chỉ đóng vai trò “người kiến tạo" thông qua việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư, lập quy hoạch, tạo lập quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giám sát triển khai đầu tư xây dựng.

Việc này không chỉ giảm phụ thuộc vào ngân sách thành phố mà ngược lại, còn làm tăng nguồn thu cho ngân sách thông qua nguồn tiền thu được từ việc lựa chọn nhà đầu tư (thông qua đấu giá, đấu thầu), tiền nộp nghĩa vụ ngân sách (thông qua các khoản thuế, phí). Điều này phù hợp với thông điệp về xây dựng một “Chính phủ kiến tạo" mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đề cập.

Về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, thành phố nghiên cứu, đề xuất Trung ương cho phép áp dụng một số đặc thù để thu hút đầu tư, các cơ chế mới không dựa vào yếu tố truyền thông để thu hút đầu tư (như ưu đãi về tiền sử dụng đất, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp) mà tạo ra sự thuận lợi hơn về luân chuyển các nguồn lực và dỡ bỏ hạn chế về thị trường.

Đơn cử như cơ chế về thu hút nguồn lực lao động chất lượng cao từ nước ngoài đến thành phố làm việc; cho thành phố thẩm quyền xét duyệt, chấp thuận các dự án đầu tư nước ngoài mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường hoặc các điều kiện mở cửa còn chặt; cơ chế thông thoáng hơn về ngoại hối để thu hút các tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư và ngân hàng nước ngoài vào hoạt động…

Hiện thành phố đẩy nhanh việc rà soát chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ; trong đó, chú trọng đẩy nhanh việc đầu tư các dự án khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trong quy hoạch; tiếp tục đề nghị bổ sung vào quy hoạch một số khu công nghiệp mới. Mặt khác, tăng cường vai trò trung tâm của thành phố trong Vùng thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó đẩy mạnh việc hợp tác với các địa phương trong kết nối thông suốt hệ thống hạ tầng giao thông.

Liên quan đến triển khai, giám sát các dự án đầu tư, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Luật PPP theo hướng cho phép nhà đầu tư được tự đề xuất giá sử dụng dịch vụ với phương châm “lời ăn lỗ chịu”, ngân sách thành phố không cấp bù trong trường hợp dự án thua lỗ...

Đối với việc chuyển tiếp cho các trường hợp dự án được chấp thuận chủ trương trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, TP Hồ Chí Minh đề xuất quy định thêm điều kiện chuyển tiếp, cho phép nhà đầu tư tiếp tục hoàn thành 100% việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trên cơ sở tự thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất để làm cơ sở được chấp thuận chủ trương đầu tư.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ trong việc vận động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và môi trường có quy mô đầu tư lớn; nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống thông tin nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu thực hiện phân quyền cho các cơ quan chủ quản, cơ quan đầu mối về giám sát, đánh giá đầu tư trong việc theo dõi báo cáo giám sát của các chủ đầu tư, chủ chương trình, chủ dự án.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)
Xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị
Xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị

Tỉnh Quảng Trị đang tập trung huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nhằm thu hút các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN