Thu hút lấp đầy các khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng tại Nghệ An

Năm 2019, tỉnh Nghệ An phấn đấu thu hút được khoảng 120 dự án đầu tư vào địa bàn, với số vốn đăng ký từ 20.000 - 25.000 tỷ đồng; trong đó, vốn FDI khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho khoảng 10.000 - 12.000 lao động.

Chú thích ảnh
Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: baonghean.vn

Giải pháp được tỉnh Nghệ An đề ra trong thu hút đầu tư, là đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai. Đồng thời, hoàn thiện việc sắp xếp, thành lập, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác xúc tiến đầu tư, một cửa liên thông theo hướng tinh giản, gọn và chuyên nghiệp gắn với triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Cùng với đó, tỉnh Nghệ An cũng hoàn thiện phần mềm công nghệ thông tin ứng dụng trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục trong lĩnh vực đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông để đưa vào vận hành có hiệu quả và thực chất; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Tỉnh Nghệ An cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhằm lấp đầy các khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng; hướng dẫn và xúc tiến đầu tư các dự án của các Tập đoàn đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Nghệ An và các dự án đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư nhưng chưa triển khai.

Trong thu hút đầu tư, tại Nghệ An đang có tình trạng một số dự án có quy mô lớn việc thực hiện chậm hơn so với dự kiến do vướng các thủ tục về đầu tư. Đơn cử, như dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí FLC tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc (10.500 tỷ đồng); dự án Vinpearl Cửa Hội giai đoạn 2 (4.365 tỷ đồng); dự án sân golf Mường Thanh (350 tỷ đồng)...

Trong khi đó, việc thu hút đầu tư vào địa phương khó khăn, chưa đạt mục tiêu đề ra. Số lượng dự án và quy mô vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp. Nguyên nhân do Nghệ An là địa phương có nền kinh tế xuất phát điểm thấp; nguồn lực huy động cho thực hiện chính sách đầu tư khó khăn; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, lại là tỉnh đất rộng, người đông, nhưng lại ở xa các cực tăng trưởng của cả nước.

Mặt khác, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh chủ yếu đang tập trung vào các giai đoạn trước cấp phép đầu tư, các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư khi dự án triển khai và đi vào hoạt động còn hạn chế. Nhiều chương trình xúc tiến đầu tư được đề ra nhưng chưa cân đối được nguồn lực để thực hiện hoặc thực hiện chưa có hiệu quả.

Việc giám sát, đôn đốc và hỗ trợ triển khai dự án sau cấp phép chưa hiệu quả, nhiều nội dung vướng mắc, khó khăn của các dự án đầu tư liên quan đến nhiều ngành, địa phương chưa được nắm bắt kịp thời và chỉ đạo giải quyết hiệu quả.

Tỉnh Nghệ An cũng thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, thủ tục và thời gian để doanh nghiệp được giao đất triển khai thực hiện dự án trải qua nhiều công đoạn liên quan đến nhiều cơ quan nên làm mất nhiều thời gian cho nhà đầu tư.

Tỉnh Nghệ An đang tập trung các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên. Gắn với đó, tỉnh chú trọng thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của địa phương, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, có tác động thúc đẩy phát triển bền vững.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài
Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài

Ngày 14/02/2019, tại tỉnh Bình Dương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN