Việc thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất đã và đang là giải pháp quan trọng để các quốc gia thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, phát triển nền công nghiệp và phát triển kinh tế xã hội.
Theo dòng lịch sử, mô hình khu công nghiệp đã có một quá trình phát triển hơn 100 năm, bắt đầu từ những nước công nghiệp phát triển lâu đời như Vương quốc Anh, Mỹ cho đến những quốc gia có nền kinh tế công nghiệp phát triển về sau này như Hàn Quốc, Singapore…, và hiện vẫn được các quốc gia tiếp thu kinh nghiệm để tiến hành công nghiệp hóa.
Kinh nghiệm phát triển
Hiện trên thế giới có hai mô hình phát triển khu công nghiệp: Thứ nhất là khu công nghiệp là một khu vực lãnh thổ rộng lớn, có ranh giới địa lý xác định, trong đó chủ yếu là phát triển các hoạt động sản xuất công nghiệp và có đan xen với nhiều dịch vụ đa dạng; có dân cư sinh sống trong khu. Ngoài chức năng quản lý kinh tế, bộ máy quản lý các khu này còn có chức năng quản lý hành chính, quản lý lãnh thổ. Khu công nghiệp theo khái niệm này về thực chất là khu hành chính - kinh tế đặc biệt như các khu công nghiệp ở Thái Lan, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước Tây Âu.
Còn theo khái niệm thứ hai, khu công nghiệp là khu vực lãnh thổ có giới hạn nhất định, ở đó tập trung các doanh nghiệp công nghệp và dịch vụ sản xuất công nghiệp, không có dân cư sinh sống và được tổ chức hoạt động theo cơ chế ưu đãi cao hơn so với các khu vực lãnh thổ khác. Theo định nghĩa này, nhiều khu công nghiệp với quy mô khác nhau đã hình thành tại một số nước như Malaysia, Indonesia và một số vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, khu chế xuất là khu công nghiệp đặc biệt dành riêng cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài hay các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất - nhập khẩu, không có dân cư sinh sống. Các loại hàng hóa do doanh nghiệp đó sản xuất khẩu phải xuất khẩu 100% ra nước ngoài và phải khai báo với cơ quan hải quan để trở thành doanh nghiệp chế xuất.
Theo kinh nghiệm của những cơ quan, tổ chức xây dựng và phát triển khu công nghiệp và khu chế xuất hàng đầu của Nhật Bản, ba điều kiện cốt lõi để xây dựng và phát triển thành công một khu công nghiệp hay khu chế xuất là vị trí, dịch vụ cơ sở hạ tầng và năng lực quản lý. Như vậy, vị trí là vấn đề quan trọng đầu tiên vì khu công nghiệp là một loại hình bất động sản và yếu tố “vàng” đối với bất động sản chính là vị trí. Nếu vị trí của khu công nghiệp không phù hợp thì sẽ không thu hút được sự quan tâm và tham gia của nhiều doanh nghiệp chế tạo. Khu công nghiệp nên có vị trí địa lý gần cảng biển, với hạ tầng giao thông, kho vận thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Tiếp đến là vấn đề dịch vụ hạ tầng cơ sở. Các doanh nghiệp chế tạo cần có nhiều yếu tố đầu vào như hệ thống cung cấp điện, cấp thoát nước, điện thoại, mạng Internet, vận tải, nơi cư trú cho người lao động… Khu công nghiệp hay khu chế xuất cần phải đảm bảo việc cung cấp đầy đủ tất cả dịch vụ trên cho doanh nghiệp với chất lượng cao, ổn định, chi phí thấp. Các hạng mục hạ tầng cơ sở quy mô lớn như cảng, sân bay, đường cao tốc chính, mạng lưới điện quốc gia và các hạ tầng cơ sở lân cận khu công nghiệp như hệ thống đường sá dẫn vào khu công nghiệp/khu chế xuất, khu căn hộ, nhà máy nước, trạm điện dự phòng đều cần thiết.
Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng dẫn tới sự thành công của một khu công nghiệp là năng lực quản lý. Điều quan trọng là sự quản lý một khu công nghiệp phải hiệu quả và có sự phản ứng kịp thời. Các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, phải đối mặt với nhiều vấn đề (khó khăn) trong việc thành lập và điều hành các nhà máy của họ. Các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, điều hành khu công nghiệp phải có sự hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp/nhà đầu tư triển khai kế hoạch kinh doanh-sản xuất của họ một cách suôn sẻ. Các hoạt động hỗ trợ này bao gồm tiếp thị, cung cấp thông tin, hỗ trợ về các thủ tục pháp lý, và xử lý những vấn đề phát sinh và điều cần thiết nhất là sự phản ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với mọi yêu cầu của nhà đầu tư/doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại khu công nghiệp.
Vai trò thúc đẩy phát triển
Malaysia là một trong số những quốc gia đã có những thành công nhất định trong việc phát triển thành công các khu công nghiệp và có sự đóng góp quan trọng vào những thành tựu kinh tế-xã hội của quốc gia Đông Nam Á này. Với các khu công nghiệp hàng đầu Pasir Gudang, Senai và Taman Perindustrian Cemerlang cùng những chính sách ưu đãi về thuế, nhân công, Malaysia đã trở thành nước xuất khẩu lớn trong khu vực và châu lục về máy thu hình, máy điều hòa không khí, máy tính, thiết bị điện tử… Kinh tế Malaysia có nhịp độ tăng trưởng ở mức 8-9%/năm và công cuộc công nghiệp hóa, với “hạt nhân” là các khu công nghiệp, đã giúp Malaysia nâng cao mức lương và đời sống của người lao động nói riêng và đem tới sự thịnh vượng cho đất nước.
Theo nhận định của Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) Li Yong, cùng với những đặc khu kinh tế thì các khu công nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện trong hiện tại và tương lai ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước kém phát triển. Các nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia Đông Á, đã sử dụng thành công khu công nghiệp như một nơi để thử nghiệm các cải cách, chính sách mới cùng với những giải pháp sáng tạo để cải thiện môi trường kinh doanh. Khi các quốc gia có sự hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, các khu công nghiệp đã giúp khắc phục những khó khăn về cơ sở hạ tầng sản xuất-kinh doanh, nhất là do vị trí địa lý, cũng như giảm thiểu những rào cản đối với sự tham gia của giới doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường nguồn nhân lực có kỹ năng và thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương.
Ông Li Yong lưu ý rằng UNIDO đã thực hiện các dự án liên quan tới những khu công nghiệp ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. UNIDO cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo về những khu công nghiệp ở khu vực Trung Á, Trung Quốc và Đông Âu. Ngoài ra, UNIDO cũng có sự hỗ trợ đối với việc phát triển các khu công nghiệp ở miền Tây và miền Bắc của Trung Quốc và Trung Á. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), UNIDO có kế hoạch cung cấp những tư vấn về chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước ở Trung Á để giúp họ phát triển các khu công nghiệp. Theo quan chức này, trong tương lai UNIDO sẽ tiếp tục thực hiện những nỗ lực khuyến khích sự phát triển các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp sinh thái, được thiết kế trên các nguyên tắc đảm bảo hoạt động sản xuất “sạch” hơn trong một nền kinh tế tuần hoàn và hệ sinh thái công nghiệp.
Giải pháp khu công nghiệp sinh thái kết nối các nhà máy hay doanh nghiệp khác nhau thông qua sự luân chuyển các nguồn năng lượng và vật liệu để hình thành các sự kết hợp công nghiệp chia sẻ tài nguyên và trao đổi phụ phẩm, nhằm đưa phế liệu và phụ phẩm của một nhà máy trở thành đầu vào (vật liệu hay năng lượng) cho một nhà máy khác. Một tiến trình tuần hoàn liên quan tới các nhà sản xuất - người tiêu dùng - cơ sở tiêu hủy được thiết lập trong hệ thống công nghiệp này, nhằm khuyến khích sự quay vòng của vật liệu trong một chu kỳ kép kín, một sự sử dụng năng lượng gồm nhiều giai đoạn và một sự tối thiểu hóa lãng phí nhiên liệu, tài nguyên.