Tham dự hội nghị có trên 650 đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo một số Bộ, ngành, lãnh đạo UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp các địa phương khu vực phía Nam, đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là chủ trương nhất quán và đã chứng minh là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là thành phần hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, song hàng cùng với doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp FDI cũng là các thành viên tích cực trong nền kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong 30 năm qua, kết quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (FDI) là một minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Đầu tư nước ngoài là nguồn vốn quan trọng trong tổng đầu tư phát triển toàn xã hội; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn và hiện dại hóa nền kinh tế; giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực; bước đầu hình thành mối liên kết giữa khu vực FDI với khu vực trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; đóng góp cho ngân sách nhà nước; hỗ trợ cán cân thanh toán, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu việc làm, phát triển nguồn nhân lực, năng suất lao động của nền kinh tế và trở thành một động lực của tăng trưởng.
FDI không chỉ là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, góp phần đáng kể trong nâng cao vị thế của đất nước. Trong giai đoạn đầu, FDI đã góp phần khai thông, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn, bình thường hóa với các quốc gia.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt hiệu quả mong muốn. FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia và vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng và nông nghiệp là những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, có nhu cầu và tiềm năng lớn, nhưng kết quả thu hút FDI chưa tương xứng.
Một số dự án FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh, tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp, xuất hiện những nhân tố mới có tầm ảnh hưởng sâu, rộng, kéo theo việc thay đổi chính sách của nhiều quốc gia, nền kinh tế lớn, đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng thu hút, sử dụng FDI, gắn kết FDI với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Do đó, Phó Thủ tướng mong muốn trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình, đặc biệt là xu hướng thay đổi trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nghị sẽ đề xuất những mục tiêu, định hướng cụ thể, hiến kế giúp Chính phủ hoàn thiện thể chế chính sách thu hút FDI.
Được đánh giá là một trong những địa phương thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay tỉnh Bình Dương đã thu hút trên 3.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 32,5 tỷ đô la Mỹ; trở thành địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tính riêng trong năm 2018, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp trên 49,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm gần 20% trong tổng thu ngân sách của tỉnh; góp phần cho GRDP bình quân đầu người đạt 130,3 triệu đồng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết năm 2018, cả nước có hơn 27.350 dự án FDI đang hoạt động, từ 130 quốc gia và vũng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư cam kết 340,1 tỷ đô la Mỹ, hơn 191 tỷ đô la Mỹ đã thực hiện. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có mặt ở tất cả các địa phương, trong đó khu vực Đông Nam bộ chiếm 43,6% tổng vốn đăng ký, đồng bằng Sông Hồng 27,2%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 15%... Về hình thức đầu tư, đầu tư 100% vốn nước ngoài chiếm 71,9% trong tổng mức đầu tư đăng ký, liên doanh là 22,1 % và hợp đồng BOT, BT và BTO chiếm 4,1%...
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành, đại diện các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp FDI về các cũng đã thảo luận nhiều vấn như: kinh nghiệm thu hút FDI trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ cao; khuyến nghị thu hút FDI trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; giải pháp, chính sách tăng cường thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia; phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; khó khăn, vướng mắc và đề xuất thay đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và pháp luật liên quan…
Dịp này, UBND tỉnh Bình Dương đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 04 dự án FDI cho 3 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 180 triệu đô la Mỹ.