Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các tác động của nền kinh tế lớn, cơ cấu và sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài có sự thay đổi, luồng vốn FDI đang đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước từ 13,6 - 14%, đóng góp khoảng 20% tổng GDP cả nước…
Phó Thủ tướng đánh giá, FDI là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam. FDI góp phần gia tăng vốn đầu tư phát triển; năng lực sản xuất và tăng trưởng kinh tế những ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực trong nước, của nền kinh tế, tạo điều kiện tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung; đổi mới công nghệ, thiết bị; đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu; giải quyết việc làm cho người lao động.
Nhìn từ thực tiễn Hải Phòng về việc gắn kết giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa trong thu hút FDI, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích sâu, làm rõ các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật, thực tiễn quản lý trong quá trình thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài tại thành phố Cảng.
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố Hải Phòng cơ bản nhất trí với dự thảo Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.
Tuy nhiên, dự thảo cũng cần làm rõ hơn những vấn đề vướng mắc, bất cập về chính sách, thể chế trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các khó khăn trong quá trình thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.
Dự thảo cần phân tích sâu hơn tình hình bối cảnh mới để thu hút nguồn lực từ đầu tư nước ngoài. Các giải pháp nên cụ thể hơn nữa, đặc biệt là các nội dung liên quan đến hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Đầu tư 2014 nhằm đảm bảo vừa mở, vừa chặt chẽ trong quá trình thực hiện quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nguồn vốn đầu tư.
Về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị, thành phố nhất trí với việc cần thiết phải trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về đầu tư nước ngoài để thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của đầu tư nước ngoài và chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thu hút vốn đầu tư trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng nêu rõ các vướng mắc, khó khăn của địa phương như: Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; các quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định pháp luật chuyên ngành khác; việc quản lý nhà đầu tư nước ngoài theo dự án đầu tư hay theo doanh nghiệp, xây dựng các chế tài để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước…
Từ thực trạng và tình hình thu hút đầu tư tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề xuất, kiến nghị Trung ương cần có các chiến lược, quy hoạch để đầu tư nước ngoài đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội, nâng tầm trình độ sản xuất, ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao ở khu vực thành phố phát triển.
Đồng thời, Trung ương có các chính sách đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỉ lệ nội địa hóa, gắn đầu tư nước ngoài với thúc đẩy sản xuất trong nước…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận các ý kiến đóng góp trong cuộc khảo sát tại Hải Phòng; đồng thời đánh giá cao thành phố là địa phương sớm đón nhận đầu tư nước ngoài ngay từ những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước.
Cùng với làn sóng đầu tư trong nước đang trỗi dậy, tỷ trọng vốn đầu tư FDI luôn giữ mức khoảng 30% trên tổng số vốn đầu tư phát triển toàn thành phố. Sau 25 năm kể từ khi thành lập (1993 - 2018), các Khu công nghiệp và Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đã thu hút được 311 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 13,58 tỷ USD, trong đó tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các Khu công nghiệp là 1,21 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện 6,11 tỷ USD, đạt 45% vốn đầu tư đăng ký.
Đầu tư trong nước (DI), lũy kế đến hết năm 2018, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút 138 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 136.351,9 tỷ đồng. Đặc biệt là dự án tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast thực hiện tại đảo Cát Hải, quy mô 348ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 70.337 tỷ đồng; dự án sản xuất điện thoại Vinsmart vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng và 4 dự án phụ trợ cho Vinfast (3 dự án FDI vốn đầu tư 73 triệu USD, 1 dự án DI vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng), góp phần thay đổi cơ cấu đầu tư giữa vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Qua việc đánh giá kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư này cho thấy, Hải Phòng đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việt Nam đã và đang tiếp cận với các Hiệp định thương mại, mở ra cơ hội mới, vận hội mới. Các nhà đầu tư cũng mong muốn tính nhất quán trong hoạch định, tính nghiêm minh trong thực thi chính sách.
Do đó, việc khảo sát thực tế tại địa phương không chỉ giúp hoàn thiện thể chế chính sách về thu hút và sử dụng FDI đến năm 2030, trình Quốc hội sửa đổi 2 luật rất quan trọng (Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp) mà còn là cơ sở để trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về đầu tư nước ngoài, làm kim chỉ nam, thống nhất nhận thức về vị trí vai trò của đầu tư nước ngoài của cả nước.