Thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài 1: Chuyển mình với công nghệ

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo nên nhiều cơ hội mới cho các nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng cũng bắt đầu đi theo xu hướng này nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trong quá trình đó, vấn đề nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu cũng đặt ra nhiều bài toán khó cho cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển hội nhập của mình. Từ thực tiễn của mình, cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều cách làm chủ động để thích nghi; trong đó xác định việc hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố hàng đầu.

Chú thích ảnh
Robot nhảy múa của công ty IBM Watson AI được giới thiệu tại hội chợ ngày 15/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài 1: “Chuyển mình” với công nghệ

Là đô thị phát triển bậc nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các nhà điều hành, quản lý, các doanh nghiệp và các hoạt động ứng dụng công nghệ vào phục vụ cuộc sống.  Trước xu thế chung đó, nhiều cơ quan, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã có những bước đi phù hợp để thích ứng với xu thế phát triển chung của khoa học công nghệ.

Doanh nghiệp “đón bão”

Trước cơn bão công nghệ, năm 2016, Công ty TNHH Juki Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, đóng tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh) quyết định lắp đặt 2 cánh tay robot ở bộ phận gia công với tổng chi phí gần 200.000 USD.

Đây là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam ứng dụng robot trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Nếu như trước đây bộ phận này có 12 công nhân làm việc thì nay chỉ cần 1 công nhân đứng giám sát cánh tay robot hoạt động và điều chỉnh khi cần thiết.

Không chỉ lắp đặt 2 cánh tay robot, một số máy móc, công nghệ cũ cũng được đơn vị này thay bằng máy móc hiện đại nhất. Ông Đào Quốc Cường, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Juki Việt Nam cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp là mỗi tháng phải tăng năng suất 1% để nhận thêm những đơn hàng mới. Vì thế, công ty sẽ tiếp tục đầu tư nhiều máy móc hiện đại để thực hiện mục tiêu này.

Trước đó, năm 2013, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đã đưa vào hoạt động "siêu nhà máy" sản xuất sữa tại Bình Dương với rất ít công nhân với hệ thống sản xuất tự động cùng với robot. Tại đây, các robot tự hành có thể điều khiển toàn bộ quá trình, từ nguyên liệu đến bao gói tới thành phẩm mà không cần sự can thiệp của con người.

Thay đổi công nghệ bắt kịp thế giới là xu hướng mà một số doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới. Theo Giám đốc điều hành Công ty SMCC Lê Công Thành, nhu cầu ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo của các doanh nghiệp ngày càng nhiều, nhất là các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Trí tuệ nhân tạo, Big Data, Blockchain… là những công nghệ tương lai cho các doanh nghiệp Việt Nam và đang được đón nhận nhiệt tình.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Limo (huyện Hóc Môn), thời gian gần đây đã có sự đầu tư mạnh về con người, máy móc, thiết bị, hạ tầng, đội ngũ công nghệ thông tin. Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Limo Huỳnh Tấn Lộc, công nghệ giúp công ty có sự hỗ trợ nhanh chóng từ nhà cung cấp đến nhà xưởng và kết nối với khách hàng mọi lúc mọi nơi. Khách hàng có thể nhìn thấy sản phẩm từ lúc lên ý tưởng, chọn nguyên vật liệu, đến kiểu dáng, linh kiện…. Việc làm này giúp công ty và cả khách hàng tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.

Ông Hồ Trọng Việt, Giám đốc công ty Daily Opt – một doanh nghiệp chuyên về Tối ưu và trí tuệ nhân tạo cho biết, trong năm 2017 và 2018 đã có một số doanh nghiệp tại Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, kinh doanh như VinEco, Techcombank, Viettel…

Còn một doanh nghiệp công nghệ khác là công ty SMCC cũng đã chuyển giao thành công các ứng dụng nhận dạng khuôn mặt, hệ thống lắng nghe thông tin trên mạng xã hội, mô hình hóa đặc điểm người dùng, chatbot, nhận dạng giọng nói tự động, hệ thống đoán định chỉ số tín dụng…cho các doanh nghiệp Việt.

Xuất hiện trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem như xương sống cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và được nhiều doanh nghiệp đón nhận. Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần thương mại Nguyễn Kim đã ứng dụng chatbot để phản hồi nhanh, phân luồng chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại, đặt chỗ, đặt trước sản phẩm…

Cũng thông qua chatbot, Nguyễn Kim gửi tin khuyến mãi thích hợp cho từng khách hàng. Theo Đại diện Công ty Nguyễn Kim, sử dụng chatbot đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí so với khi dùng nhân viên chăm sóc khách hàng.

Đưa công nghệ vào thực tiễn

Không chỉ các doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ để phát triển trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều đơn vị của TP Hồ Chí Minh cũng đã nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot vào hoạt động của mình.

Cuối năm 2016, Bệnh viện Bình Dân – đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực y tế sử dụng robot phẫu thuật trên người lớn tại Việt Nam. Theo bác sỹ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, phẫu thuật bằng robot có rất nhiều ưu điểm giúp hoàn thiện hơn kỹ thuật mổ của bệnh viện từ trước đến nay.

Nối gót Bệnh viện Bình Dân, từ năm 2017, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đưa robot Da Vinci vào phẫu thuật cho bệnh nhân mắc các bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư đại - trực tràng, ung thư phổi, ung thư gan…. Đây là robot do Hoa Kỳ sản xuất và được đánh giá là hệ thống robot phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay.

Trước đó, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng hệ thống bản đồ GIS trong theo dõi và xử lý bệnh sốt xuất huyết. Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho hay, việc quản lý dịch bệnh sốt xuất huyết bằng bản đồ GIS đã có những thay đổi rõ rệt như: tình hình dịch bệnh cập nhật kịp thời cho toàn hệ thống, giúp việc phản hồi rất nhanh; phán đoán tình hình dịch dựa trên số liệu khoa học, không cảm tính như trước; giúp khoanh vùng ổ dịch chính xác, dễ dàng xác định được các ổ dịch lân cận; mỗi địa phương sẽ nắm được tình hình dịch ở những khu vực lân cận địa phương mình để dự phòng phương án xử lý.

Cùng với lĩnh vực y tế, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đang hướng đến phát triển du lịch thông minh với sự đầu tư bài bản và dài hơi cho các ứng dụng công nghệ.

Mới đây, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã triển khai phần mềm ứng dụng bằng tiếng Anh và tiếng Việt chạy trên hai hệ điều hành iOS và Android với mục đích hỗ trợ du khách tìm kiếm tất cả những thông tin về các điểm đến, tour du lịch gợi ý, nhà hàng, khách sạn, phương tiện giao thông...

Ứng dụng này cũng cho phép du khách kiểm tra quỹ phòng khách sạn còn trống tại thành phố và có thể thực hiện việc đặt phòng nhanh, nhờ ứng cứu khi gặp sự cố hoặc để lại những nhận xét về các chuyến đi của mình đến trung tâm du lịch lớn nhất cả nước này.

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Sở đang dự kiến đưa vào chức năng “du lịch ảo”, cung cấp cho khách có những gợi ý về các điểm tham quan gần chỗ du khách đang ở bằng mã QR. Chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR, khách du lịch có thể tìm được tất cả thông tin, hình ảnh và đoạn phim ngắn giới thiệu về các điểm du lịch nổi tiếng như Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành…

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cho biết, hiện SHTP đang chú trọng đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng sâu hơn trong các lĩnh vực của mình.

Ðây cũng là tiền đề để TP Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ, từng bước hỗ trợ thành phố phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên số, nhất là định hướng xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn 2030.

Bài 2: Nỗi lo về nguồn nhân lực

Đinh Hằng - Tiến Lực - Thu Hoài (TTXVN)
CIEM: Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy tăng GDP từ 7 - 16%/năm
CIEM: Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy tăng GDP từ 7 - 16%/năm

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0: kinh nghiệm quốc tế và chính sách của Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN