Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng các sở, ngành liên quan đã tham dự hội nghị.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc chủ trương về tín dụng chính sách xã hội, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở.
Trong 5 năm qua, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.300 tỷ đồng, với trên 140 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội; trong đó, gần 63 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; gần 2,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 6 nghìn lao động được duy trì và tạo việc làm mới, trên 500 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, gần 22 nghìn lượt hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh và hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; xây dựng được trên 66,7 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và gần 1,8 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo…
Tổng dư nợ tính đến cuối tháng 6/2019 đạt 3.390 tỷ đồng, tăng 1.273 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 13,4% (năm 2015) xuống còn 6,39% (năm 2018). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách gồm: Cho vay hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi và cho vay nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 40 tại Thái Nguyên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tiếp nhận, phổ biến, quán triệt, triển khai ở một số cấp ủy đảng cơ sở còn chưa được quan tâm đúng mức; bố trí nguồn vốn ủy thác của một số địa phương cho ngân hàng chính sách xã hội còn thấp; đội ngũ cán bộ tại một số tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở làm công tác ủy thác thường xuyên thay đổi nên chưa nắm chắc nghiệp vụ...
Tại hội nghị, một số đại biểu tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị đề xuất với Chính phủ bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ với đối tượng là hộ có mức sống trung bình; nâng mức cho vay tối đa đối với một số chương trình như cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; cho vay giải quyết việc làm...
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về sơ kết Chỉ thị 40 của Trung ương đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong 5 năm qua.
Phó Thống đốc mong muốn, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục dành sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; trong đó đặc biệt ưu tiên dành nguồn ngân sách nhiều hơn và tiếp tục huy động vốn từ doanh nghiệp để ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thực hiện việc cho vay đối với các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Nhân dịp này, 10 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 40 đã được nhận giấy khen của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam. Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên cũng trao tặng nhiều Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích cao trong việc thực hiện Chỉ thị 40.