Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 113.000 lao động; trong đó hơn 3.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Vốn tín dụng chính sách cũng đã giúp hơn 8.000 lượt học sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 760.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 10.000 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng tín dụng được củng cố và ngày càng nâng cao. Đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 198.505 tỷ đồng; trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu tăng trưởng Thủ tướng Chính phủ giao đạt 173.855 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch tăng trưởng dư nợ Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn đạt 207.217 tỷ đồng; đặc biệt các đơn vị trong toàn hệ thống đã tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW.
Đến ngày 30/6/2019, nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách đạt 14.128 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch giao tăng năm 2019.
Gắn liền với việc tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên. Trong 6 tháng đầu năm, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội là 1.488 tỷ đồng, chiếm 0,75%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn là 807 tỷ đồng, chiếm 0,41%/tổng dư nợ.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong năm 2019 là tổ chức Hội nghị sơ kết Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, vì vậy ngay từ bây giờ cả hệ thống phải tập trung đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực để chất lượng tín dụng ngày càng nâng cao và bền vững. Từ Trung ương tới địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền hiểu và quan tâm tới hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội, qua đó góp phần tăng thêm nguồn lực cho người dân để tập trung đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo.