Nhờ vốn cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, gia đình ông Trần Văn Hảo, thôn Tây Sơn, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo đã đầu tư nuôi 5 con bò sữa để phát triển kinh tế thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN |
Cũng từ nguồn vốn này đã tạo việc làm cho gần 3,5 triệu lao động; trong đó, có hơn 111.000 lao động thuộc hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Cùng với đó, có trên 3,5 triệu học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Đồng thời, xây dựng gần 10 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 520.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long; trên 11.000 căn nhà phòng tránh bão, lụt.
Tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện đạt 167.047 tỷ đồng, gấp 23 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ chiếm 0,43%/tổng dư nợ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, sau 15 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Ngành ngân hàng giao phó.
Với mô hình hoạt động ưu việt, hiệu quả, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải một cách kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng.
Điều này góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn; thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo về ý thức tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai, hoàn thành cơ bản Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua các thời kỳ.
Cụ thể, đưa tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%, giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%, giai đoạn 2010-2015 giảm từ 11,8% xuống còn 4,25%. Bên cạnh đó, giảm số lượng xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn từ 4.188 xã, 428 huyện, 57 tỉnh năm 2007 xuống còn 3.815 xã, 420 huyện, 53 tỉnh năm 2017.
Phó Thống đốc cũng nhận định, mặc dù đã đạt được những thành tựu, nhưng công cuộc giảm nghèo của Việt Nam vẫn đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Để đáp ứng tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, giảm nghèo không chỉ là lo cho người nghèo về thu nhập mà còn phải tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ tối thiểu, nâng cao mức sống toàn diện cho người dân.
Do vậy, thực tế đòi hỏi phải có nguồn lực dồi dào hơn nữa cho công tác giảm nghèo. Vấn đề trên đặt ra nhiều thách thức cho Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc thực hiện chiến lược phát triển ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong giảm nghèo.