Hỗ trợ đồng bào, đẩy lùi tín dụng đen
Chi nhánh cũng tham mưu để các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy vào cuộc rất nhanh chóng, vai trò chỉ đạo của cấp ủy trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi tại địa phương nâng cao, phối hợp chặt chẽ với tổ chức - chính trị xã hội nhận ủy thác. Nhờ đó nguồn vốn địa phương ủy thác bổ sung trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 18,1 tỷ đồng, nâng tổng số vốn ủy thác lên 126 tỷ đồng. Nguồn vốn địa phương hòa nhập với vốn Trung ương đạt 2.604 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH Đắk Nông đã giúp 19.406 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay (trong đó 4.069 lượt hộ nghèo, 2.030 lượt hộ cận nghèo, 2.671 lượt hộ thoát nghèo được vay vốn), giúp 5.019 hộ sống ở vùng nông thôn cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới 10.038 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 4.830 hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, 195 căn nhà cho hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở theo Đề án ban hành kèm Quyết định số 1856 của UBND tỉnh.
Đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được tiếp cận với vốn tín dụng đã tăng rõ rệt, được vay vốn ngày càng nhiều, việc quản lý, sử dụng tiền vay cơ bản có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn đã có tác động kép. Đến nay có 68.631 hộ còn dư nợ trong đó hộ đồng bào DTTS vay vốn đang còn dư nợ là 38.576 hộ, chiếm 87,61% số hộ đồng bào trong toàn tỉnh (trong đó tỷ lệ đồng bào DTTS tại chỗ là 13.821 hộ, chiếm 94,13% số hộ người DTTS tại chỗ).
NHCSXH tỉnh cũng thực hiện nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh lên 100 triệu đồng, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định và góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen tại địa phương, nhất là khu vực khó khăn của tỉnh.
Tăng cường giám sát thực hiện chính sách
Để chính sách tín dụng ưu đãi đi vào cuộc sống và đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người dân, xác định đúng đối tượng cần vay, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, người vay có trách nhiệm trong việc trả nợ cũng như tiết kiệm hàng tháng theo quy ước. Chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... tổ chức tập huấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho hộ vay để nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Để nâng cao chất lượng tín dụng, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp các đơn vị nhận ủy thác thực hiện tốt công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trên tất cả các mặt hoạt động, nên số tổ có chất lượng hoạt động tốt đã đạt 1.472 tổ, chiếm tỷ lệ 94,97%; số tổ có chất lượng khá chỉ còn 78 tổ, chiếm tỷ lệ 5,03%; không có tổ trung bình yếu, kém; có 81% số tổ TK&VV không có nợ quá hạn.
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ theo quy định của Hội đồng quản trị NHCSXH, chi nhánh đã tham mưu 12 thành viên Ban đại diện HĐQT NHCXH tỉnh kiểm tra, giám sát tại 8 huyện, thị xã; mỗi huyện kiểm tra, giám sát 1 xã, mỗi xã kiểm tra 2 tổ TK&VV. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy nguồn vốn được cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn có hiệu quả, nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được vay vốn đã vươn lên thoát nghèo.
Một hoạt động mang nhiều ý nghĩa được chi nhánh thực hiện tốt là tổ chức giao dịch cố định tại xã để cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, thể hiện rõ việc xã hội hóa tín dụng chính sách vì mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Giao dịch xã của NHCSXH còn giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiết giảm chi phí, cũng như công khai đầy đủ danh sách các hộ vay vốn, thủ tục giải quyết cho vay, chính sách tín dụng và đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng để người dân biết, cùng giám sát.
Bên cạnh nhưng kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi ở Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn bởi nơi đây có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao hơn mức bình quân chung toàn quốc, nhu cầu vay vốn để phát triên kinh tế, giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội rất lớn. Bởi vậy, ông Đào Thái Hòa, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh cho biết nguồn vốn cần bổ sung trong 6 tháng cuối năm 2019 khoảng 100 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm, xây công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.