Năm 2019 trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6 - 6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, điều chưa từng có trong lịch sử nước ta.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh đều đạt và vượt yêu cầu. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh.
Để kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục vươn cao, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc quan trọng nhất là đổi mới thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy. Năm 2019 ngành tài chính quyết liệt triển khai sắp xếp lại tổ chức và đến nay, toàn ngành đã thực hiện cắt giảm được 2.901 đầu mối.
“Thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành tài chính nên luỹ kế 2 năm 2019 - 2020 sẽ tiết kiệm khoảng 3.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Bước sang năm 2020, với nhận định về tình hình bối cảnh trong nước và thế giới, những khó khăn, thuận lợi. Bộ trưởng Bộ Tài chính đồng tình với dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 đã được Thủ tướng giao.
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân giao đến từng đơn vị sử dụng NSNN, theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tuân thủ các quy định về quản lý NSNN; đồng thời tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.
Ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế, đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động chuẩn bị, tham gia các FTA mà Việt Nam vừa ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) để chuyển hoá thành các chương trình hoạt động cụ thể.
Năm 2020 cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Từ Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ với chủ trương tăng tốc và bứt phá, năm 2019 GDP của Bình Thuận đạt trên 11%. Bình Thuận đề ra động lực cho tăng trưởng đó là công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp năng lượng. Công nghiệp tăng 15,09%, trong đó riêng công nghiệp năng lượng tăng trên 15%. Bình Thuận tập trung tháo gỡ các chính sách, tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng 37%. Nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm 77,7%.
“Chưa bao giờ Bình Thuận có điều kiện tốt và tăng cao như thế. Tốc độ thu ngân sách vượt 24,2%”, ông Nguyễn Ngọc Hai nói.
Có được kết quả này là do Bình Thuận đã đơn giải hóa các thủ tục hành chính nhanh gọn, nên thu hút các dự án đầu tư phát triển mạnh… Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Dự thảo các Nghị quyết cho năm 2020 sẽ tập trung vào 9 nhóm vấn đề lớn.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và địa phương đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020.
Trong các nhóm vấn đề trọng tâm, thì việc tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật, nhất là những chỉ số còn thấp… là các nhiệm vụ hàng đầu. Nhà nước cần khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược (về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực), thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp các ngành trong năm 2020; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, kiểm soát, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt”.
Việc giao quyền tự chủ cho các địa phương cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Điều này đòi hỏi các cấp các ngành chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, thúc đẩy nền kinh tế số.
Theo đó, Chính phủ hỗ trợ một số địa phương tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như kinh tế ban đêm, phát triển đô thị theo quy hoạch…
Bên cạnh các giải pháp, vẫn còn đó câu hỏi: Cần có đột phá gì về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở Trung ương?
Song song với đầu tư công, việc quan tâm đến đời sống nhân dân cũng là giải pháp vô cùng quan trọng. “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Nay bổ sung thêm là không đánh đổi môi trường văn hóa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định.
Theo đó, các địa phương, bộ, ngành cần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo sự hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn cho người dân tốt hơn. Cần nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả và thực hiện thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ công chức cũng được đặt ra như tạo động lực khích lệ và khơi thông tinh thần lao động hết mình của mỗi cá nhân, vì mục tiêu tăng tốc, bứt phá của nền kinh tế.