Tham dự hội nghị có đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Sự hiện diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương đã thành thông lệ, có ý nghĩa khích lệ to lớn.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,02% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh chiến lược trong khu vực và trên thế giới gia tăng. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Điều đáng ghi nhận là, dù tăng trưởng GDP ở mức cao, song nền kinh tế vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 2,79%, đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, tỉ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm… Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 4%. Thu ngân sách ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, cho thấy đây đang là giai đoạn thu ngân sách tốt nhất kể từ năm 2013, đồng thời, chủ trương chung về siết chặt, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển và quản chặt bội chi ngân sách Nhà nước đã được thực hiện chặt chẽ.
Thủ tướng khẳng định: Năm 2019 có thể coi là năm “bứt phá” với quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu trên 9,9 tỷ USD, đây là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu. Vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt mức kỷ lục, trên 138.000 doanh nghiệp. Khách du lịch quốc tế đạt trên 18 triệu lượt khách. Đáng chú ý, theo UNDP, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45% và theo UNDP, Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo.
Phân tích những cơ hội, thách thức năm 2020 và những năm tiếp theo để đề ra những giải pháp phát triển đất nước, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đến nay, dự thảo Nghị quyết về cơ bản đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành.
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng và soạn thảo dựa trên những quan điểm và nguyên tắc: Tiếp tục thực hiện nhất quán, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019; Xác định rõ các mục tiêu cải cách cho năm 2020 trên cơ sở tính toán giữa kết quả đạt được năm 2019 và mục tiêu đến năm 2021 đã đề ra tại Nghị quyết 02 năm 2019; đảm bảo cân đối, hài hòa và có sự điều chỉnh hợp lý; Bổ sung một số giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019, trong đó tập trung vào các chỉ số môi trường kinh doanh chậm cải thiện hoặc đang xếp hạng thấp...
Dự thảo Nghị quyết năm 2020 tiếp tục đề ra mục tiêu phấn đấu cải thiện thứ bậc trên bảng xếp hạng các chỉ số: Môi trường kinh doanh, Năng lực cạnh tranh, Đổi mới sáng tạo, Chính phủ điện tử. Về giải pháp, cơ bản các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại dự thảo là tiếp tục của Nghị quyết 02 năm 2019, gồm: Tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần. Cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương bên cạnh soi chiếu lại hành trình của một năm “bứt phá”, điều quan trọng hơn, sẽ tập trung thảo luận các hạn chế, vướng mắc để tháo gỡ, hay những vấn đề liên vùng, liên ngành đòi hỏi sự phối hợp cũng như tiếp tục tìm các giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sẽ kết thúc vào ngày 31/12. Báo Tin tức tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.
Hội nghị sẽ tổng kết tình hình kinh tế- xã hội năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2019 đạt nhiều kết quả rất đáng mừng, là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và rất nhiều chỉ tiêu đạt mức kỷ lục.