Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở 9 nhóm vấn đề lớn trong năm 2020

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2020 sáng 30/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương, các ban, bộ ngành thảo luận kỹ, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2020, qua đó xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành như tại nội dung Dự thảo các Nghị quyết cho năm 2020 sẽ được trình bày, trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề lớn mang tính gợi mở.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thứ nhất, làm sao để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2019. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020.

Thứ hai, tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật. Nhất là những chỉ số còn thấp như: Giải quyết phá sản (122/190 quốc gia); khởi sự kinh doanh (115/190 quốc gia); nộp thuế (109/190); thương mại qua biên giới (104/190); bảo vệ nhà đầu tư (97/190).

Thứ ba, khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược (về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực), thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp các ngành trong năm 2020;  phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, kiểm soát, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt”…

Thứ tư, chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, thúc đẩy nền kinh tế số. Hỗ trợ một số địa phương tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như kinh tế ban đêm, phát triển đô thị theo quy hoạch…

Thứ năm, quy mô kinh tế số của Việt Nam đã tăng 4 lần trong 5 năm qua và dự báo sẽ đạt 20% GDP trong 5 năm tới. Làm thế nào để tạo nền tảng cho kinh tế số phát triển tăng tốc trong năm 2020 và những năm tới?

Thứ sáu, cần có đột phá gì về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở Trung ương?

Thứ bảy, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo sự hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn cho người dân tốt hơn. Từ thực tiễn địa phương cơ sở cho thấy cần bổ sung giải pháp nào? Nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả nào? Làm thế nào thực hiện thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”? Các chỉ tiêu, kịch bản đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đã phù hợp chưa?

Thứ tám, tăng cường đầu tư cho tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước tương xứng với thách thức của thời kỳ mới như thế nào? Thứ chín, đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ công chức.

Thủ tướng nhấn mạnh, dân tộc ta là con cháu Lạc Hồng, có khát vọng không ngừng vươn cao, bay xa và đề nghị Hội nghị cùng thảo luận trả lời câu hỏi lớn: Để đưa kinh tế - xã hội Việt Nam vươn cao, chúng ta cần những trụ cánh gì? Những thành quả kinh tế - xã hội có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc, thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển.

Đó là quy mô càng lớn càng khó có thể tăng trưởng nhanh: Điều này không đúng. Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21%, thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD.

Việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045 - cột mốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm.

V.T/Báo Tin tức
Chính phủ nhận diện rõ những điểm nghẽn, vướng mắc để tìm hướng bứt phá
Chính phủ nhận diện rõ những điểm nghẽn, vướng mắc để tìm hướng bứt phá

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2020 tổ chức sáng 30/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Chính phủ tập trung vào 4 trọng tâm điều hành, 8 nhóm giải pháp, 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; 5 nhóm giải pháp, 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN