Tận dụng tối đa các cơ hội từ những hiệp định thương mai tự do

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) khi có hiệu lực sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Mới chỉ tận dụng một vài FTA hiệu quả

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại (FTA), trong đó có 13 FTA đã có hiệu lực và 3 FTA đang đàm phán. Đặc biệt, có FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn và chất lượng rất cao là  Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). 

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp cần tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2019 đạt 48 tỉ USD, chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Hiện  chỉ  một số ít FTA được tận dụng hiệu quả như FTA Việt Nam - Chilê đạt 68 %, tiếp theo là Ấn Độ và Hàn Quốc với tỉ lệ tận dụng lần lượt là 65% và 50%. Một số thị trường nhập khẩu lớn đã có FTA với Việt Nam như: Nhật Bản, Australia, New Zealand... ít tận dụng ưu đãi thuế từ CPTPP do quy tắc xuất xứ CPTPP chặt hơn và mức cắt giảm thuế quan theo cam kết trong CPTPP không bằng các FTA đã có.

Đối với TP Hồ Chí Minh, mặc dù Việt Nam có 13/16 FTA có hiệu lực nhưng nhiều DN TP Hồ Chí Minh vẫn chưa tận dụng được lợi thế, cơ hội từ các FTA. Một số DN đã xuất khẩu được một số ngành hàng tăng nhưng giá trị gia tăng đem lại không cao, chủ yếu vẫn là cung ứng nguyên liệu thô và hàng gia công. Ngoài ra, các DN trong nước còn chịu sức ép cạnh tranh từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng tăng cao.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, xét riêng các đối tác có FTA với Việt Nam (kể cả song phương và khu vực), vẫn có một số FTA chưa được khai thác tốt. Điển hình như với khu vực ASEAN, sau khi thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015, mức nhập siêu của TP Hồ Chí Minh từ ASEAN có xu hướng tăng. Theo báo cáo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TP Hồ Chí Minh qua các thị trường đều tăng qua các năm trong giai đoạn 2015-2019, chiếm tỷ trọng hơn 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của TP Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn 2015-2019, cán cân xuất nhập khẩu của TP Hồ Chí Minh với các nước có FTA với Việt Nam cũng là nhập siêu, nhưng có xu hướng giảm dần.

Tương tự với Hàn Quốc, Việt Nam ký kết và tham gia 2 FTA với Hàn Quốc là AKFTA (có hiệu lực từ 6/2007) và VKFTA (có hiệu lực từ 20/12/2015). Từ năm 2007, TP Hồ Chí Minh vẫn nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt từ năm 2016, sau khi VKFTA có hiệu lực, mức nhập siêu tăng mạnh và tiếp tục tăng qua các năm. Cụ thể, mức nhập siêu năm 2019 gấp 1,89 lần năm 2015.

“Điều này phản ánh các doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng ưu đãi từ VKFTA tốt hơn doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh. Đây là điều mà DN TP Hồ Chí Minh cần rút kinh nghiệm và học hỏi nhiều hơn để tận dụng tối đa các FTA nhằm đưa hàng hóa xuất khẩu đi ra các nước tốt hơn”, ông Phạm Bình An nói.

Cần quan tâm đến xuất xứ hàng hóa

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ các DN Việt Nam chưa tận dụng được nhiều cơ hội từ FTA là do  việc xét xuất xứ hàng hóa quá chặt chẽ, trong khi các DN Việt Nam lại hạn chế, thậm chí lơ là việc đáp ứng yêu cầu xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm mình làm ra thông qua việc cấp các C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa). Vừa qua, tỷ lệ tận dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA tăng dần ở các nước phát triển nhưng vẫn còn hạn chế nước đang phát triển như Việt Nam.

Theo ông Phạm Bình An, bản thân doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm thực sự đến việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa  nên chưa tận dụng được lợi thế từ các FTA. Nội dung các FTA thông thường liên quan nhiều đến hoạt động tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu, các tiêu chuẩn hoạt động kinh doanh, thể chế… nên chỉ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn hoặc có nhu cầu xuất khẩu. Trong khi, việc thực thi FTA chưa gắn liền với lợi ích và hoạt động hàng ngày của đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trừ một số hội, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng mạnh như: VASEP, HAWA… Chính vì vậy, nhiều hội, hiệp hội ở địa phương còn hạn chế về năng lực, chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ được các doanh nghiệp tiếp cận thông tin hội nhập chuyên ngành liên quan đến các chứng nhận xuất xứ hàng cho DN Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang Việt Nam đã đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa để mang hàng xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc...

"Tuy nhiên, không chỉ trông chờ vào các ban ngành, hiệp hội, chính DN cần chủ động trong việc nắm bắt thông tin để làm tốt việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Nếu DN không nắm rõ về quy tắc xuất xứ hàng hóa thì hàng hoá làm ra đi sang thị trường của đối tác có FTA cũng không được ưu đãi nhiều về thuế. Hơn nữa, quy tắc chứng nhận xuất xứ hàng hóa là vấn đề kỹ thuật phức tạp, không chỉ tiêu chí xuất xứ của sản phẩm đó mà còn quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất tới nơi giao hàng có đảm bảo nguyên trạng hay không, thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ có phù hợp hay không?... DN chỉ cần vi phạm một trong các quy định trên là hàng hoá không được hưởng ưu đãi. Vì vậy, vấn đề quy tắc xác nhận xuất xứ hàng hóa cần được phổ biến rộng rãi cho các DN Việt Nam để DN tận dụng sao cho hiệu quả nhất", ông Phạm Bình An chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết dù cơ hội từ các FTA và lợi ích DN Việt Nam tận dụng được từ các FTA không nhỏ, nhưng muốn tận dụng các cơ hội này, các DN cần nắm được các thông tin yêu cầu cụ thể, thiết thực, sâu sát tới từng ngành hàng. Như từng DN hướng đến xuất khẩu thị trường nào, áp dụng FTA nào phù hợp và cần những tiêu chuẩn gì, lộ trình cắt giảm thuế quan nào đã được liệt kê đầy đủ trong các FTA đã có hiệu lực... "Đây là những quy tắc chính trong việc xác định xuất xứ hàng hóa Việt Nam để DN Việt được hưởng ưu đãi khi các FTA được kí kết. Ngoài ra, các DN cũng cần tập trung đi vào đúng trọng điểm thị trường đang cần mặt hàng của mình để xây dựng sản phẩm đáp ứng đúng các tiêu đó thì hàng hóa Việt Nam rất dễ xuất khẩu đi các nước", ông Nguyễn Hữu Nam nói. 

Theo Trung tâm hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, để hỗ trợ DN khai thác hiệu quả những lợi ích của EVFTA, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường tập huấn chuyên sâu về EVFTA cho từng nhóm DN, không dàn trải mà tập trung vào vấn đề DN cần như về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các thương vụ, tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ về thông tin thị trường các nước thành viên EU để hỗ trợ xúc tiến thương mại cho gần 20.000 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Đặc biệt, do TP Hồ Chí Minh là cửa ngõ xuất nhập khẩu với thị trường châu Âu của cả khu vực phía Nam nên chiến lược của TP Hồ Chí Minh là phát triển các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu phát triển về hạ tầng logictis, để cùng các tỉnh đưa hàng hóa vào châu Âu nhanh hơn với chi phí thấp hơn.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Giám sát việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên
Giám sát việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên

Chiều 23/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” đã làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì buổi làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN