Tài sản công trị giá ngàn tỷ USD được quản lý ra sao?

Tài sản công của Việt Nam ước tính trị giá hàng ngàn tỷ USD, nhưng bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí bị thất thoát, chiếm đoạt đang khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi. Ông Nguyễn Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.


Ông Nguyễn Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính). Ảnh: MB.

Thưa ông, nhiều vụ việc do các cơ quan chức năng đưa ra xử lý trong thời gian qua, đặc biệt liên quan đến nhà, đất công, cho thấy công tác quản lý vẫn còn lỏng lẻo, còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân của tình trạng này là gì, cách thức quản lý như hiện nay đã hợp lý chưa, thưa ông?

Qua rà soát để thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý cho thấy cơ bản các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, công năng của tài sản. Tuy nhiên, một số trường hợp còn bố trí làm nhà ở trong khuôn viên trụ sở, cho thuê, cho mượn không đúng quy định, không có nhu cầu sử dụng nhưng chưa trả lại nhà nước....

Kết quả sắp xếp nhà, đất (bao gồm cả đất của các doanh nghiệp nhà nước- DNNN) đã thực hiện chuyển giao cho địa phương 621 cơ sở nhà, đất; thu hồi 641 cơ sở nhà, đất; đề nghị chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định trên 100 cơ sở nhà, đất....

Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng thời gian qua đã phát hiện một số trường hợp quyết định bán, chuyển nhượng tài sản chưa đúng thẩm quyền, hình thức xử lý; việc xác định giá bán chưa phù hợp với quy định, gây thất thoát, lãng phí. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị có tài sản và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Đất đai là một loại tài sản công theo quy định tại Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) năm 2017 chỉ điều chỉnh những nguyên tắc chung trong quản lý, khai thác nguồn lực tài chính đối với đất đai và Bộ Tài chính có trách nhiệm giúp Chính phủ xây dựng các văn bản quy định về chính sách tài chính đối với đất đai như: Thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản thuế, phí, lệ phí về đất đai.

Còn các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định giá đất, thực hiện các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn, thế chấp... được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai thuộc trách nhiệm của cơ quan tài nguyên và môi trường, các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Riêng đối với nhà, đất tại khu vực hành chính sự nghiệp, đây là cơ sở vật chất được sử dụng cho công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Do vậy, những tài sản này được quản lý theo tiêu chuẩn, định mức, công năng, mục đích sử dụng. Tuy nhiên, do các yếu tố lịch sử và sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trong quá trình sử dụng đã dẫn đến các trường hợp thừa, thiếu, không còn nhu cầu sử dụng. Khi đó, tài sản sẽ được xử lý theo các hình thức: thu hồi, điều chuyển, bán.

Đối với những tài sản đã hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng không sửa chữa được thì được thanh lý. Khi bán, chuyển nhượng phải thực hiện theo cơ chế thị trường (chủ yếu thông qua hình thức đấu giá). Việc bán chỉ định chỉ được thực hiện trong một số trường hợp và về cơ bản, các trường hợp này đều phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Giá bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đảm bảo phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất phổ biến trên thị trường và giá trị đánh giá lại đối với tài sản trên đất. Phương pháp xác định giá đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc tổ chức đấu giá tài sản, các đơn vị có nhà, đất thuê tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

Theo ông, những giải pháp nào để khắc phục tình trạng nêu trên?

Tôi cho rằng, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để khắc phục cho được những lỗ hổng pháp lý như vấn đề định giá đất, đấu giá tài sản...
Bên cạnh đó, cần xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về TSC để thực hiện các giao dịch xử lý tài sản qua hệ thống này; bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát.

Đối với các hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng TSC, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý nghiêm minh. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán này phải được thực hiện ngay từ các khâu để phòng ngừa sai phạm; tăng cường hơn nữa công tác giám sát của cộng đồng. Biện pháp tiếp theo là đẩy mạnh thực hiện đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, DNNN.

Ngoài việc hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì các Bộ, cơ quan trung ương có liên quan như Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Xây dựng phải rà soát lại hệ thống pháp luật thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công để sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá, Luật Nhà ở...

Nâng cấp cơ sở dữ liệu Quốc gia về TSC để quản lý tất cả các tài sản công được quy định tại Luật; xây dựng hệ thống giao dịch về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản...).

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng cũng như thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đến nay ra sao, thưa ông?

Trong năm 2017, số xe ô tô công tăng do mua mới, tiếp nhận là 2.604 chiếc, với tổng nguyên giá hơn 2.265 tỷ đồng; trong đó mua mới 1.081 xe với tổng nguyên giá là hơn 1.030 tỷ đồng.

Trong đó: Khối cơ quan trung ương tăng 1.118 chiếc, với tổng nguyên giá hơn 1.175 tỷ đồng; khối địa phương tăng 1.486 chiếc, với tổng nguyên giá hơn 1.089 tỷ đồng. Số xe ô tô công giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 2.370 chiếc với tổng nguyên giá hơn 1.139 tỷ đồng. Trong đó: Khối trung ương giảm 401 chiếc, với tổng nguyên giá hơn 234 tỷ đồng; khối địa phương giảm 1.969 chiếc, với tổng nguyên giá hơn 905 tỷ đồng.

Trong tổng số 2.604 xe ô tô công tăng của năm 2017, có 1.523 xe tăng do tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng nguyên giá là hơn 1.234 tỷ đồng; mua mới là 1.081 xe với tổng nguyên giá là hơn 1.030 tỷ đồng (trong đó: Xe phục vụ chức danh 22 xe; xe phục vụ công tác chung 366 xe; xe chuyên dùng 693 xe).

Tổng số xe ô tô công hiện có 39.425 chiếc với tổng nguyên giá hơn 25.554 tỷ đồng chiếm 2,21% tổng giá trị tài sản nhà nước, tổng giá trị còn lại hơn 8.613 tỷ đồng.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương rà soát và xử lý các xe ô tô dôi dư đang quản lý; tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp xe ô tô phục vụ công tác chung theo đúng định mức, tiêu chuẩn (từ 1 - 2 xe/đơn vị); ban hành định mức xe ô tô chuyên dùng làm cơ sở trang bị, quản lý, sử dụng; xử lý số xe dôi dư theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện thanh lý xe đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch. 

Đến nay đã có gần 20 bộ, ngành đã thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công. Với hình thức quản lý xe theo phương thức tập trung, đã giúp giảm đầu xe theo quy định. Bộ Tài chính thực hiện từ năm 2016 đến nay, riêng khối văn phòng đã giảm được 50% đầu xe so với trước đây.

Theo Bộ Tài chính, trước ngày 31/7/2018 phải ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương.


Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức ((Thực hiện))
Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công
Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN