Ông Nguyễn Tân Thịnh (đứng) Phó Cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) trả lời báo chí tại Họp báo. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Theo đó, mục đích đặt ra của dự thảo luật là nhằm có được những nguyên tắc chung nhất trong việc quản lý, sử dụng tất cả các loại tài sản công, nhưng vẫn đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và cơ sở để nắm được tổng thể tài sản công của đất nước.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng, Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công còn nhằm khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công hợp lý, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế xã hội và tái cơ cấu ngân sách Nhà nước. Qua đó, từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Dự thảo luật quy định nội dung công khai, nguyên tắc công khai và hình thức công khai đối với tài sản công. Đồng thời, quy định về giám sát của cộng đồng, giám sát của cán bộ, công chức, viên chức, ban thanh tra nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Để nâng cao tính răn đe, quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, dự thảo luật cũng quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể là, cấm sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Cấm cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức và đơn vị cấp dưới không phù hợp với với nhu cầu, tiêu chuẩn và định mức sử dụng tài sản công.
Ông Thịnh cũng cho biết một số điểm mới của dự thảo luật mới liên quan tới khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập; khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản kết cấu hạ tầng…
Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp và được sử dụng vào mục đích cho thuê, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết. Các đơn vị này phải hạch toán đầy đủ chi phí (khấu hao tài sản cố định, chi phí sử dụng đất…).
Dự thảo luật cũng quy định 4 phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng gồm: đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng tổ chức khai thác tài sản; chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng.
Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, dự thảo luật quy định theo hướng ưu tiên giao quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cho các tổ chức có năng lực.
Phương thức đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng tự tổ chức khai thác tài sản chỉ được áp dụng trong các trường hợp như tài sản kết cấu hạ tầng có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, không có tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện các phương thức khác, áp dụng phương thức trực tiếp tổ chức khai thác tài sản hiệu quả hơn các phương thức khác.