Tái cơ cấu để vực dậy vận tải đường sắt

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang tập trung thực hiện các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp của các đơn vị thành viên trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo trì, đầu tư... nhằm vực dậy ngành vận tải "xương sống" đường sắt của đất nước trước bối cảnh kinh doanh ngày càng sụt giảm.

Tái cơ cấu là nhiệm vụ bắt buộc

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ban hành văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc VNR, giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VNR tái cơ cấu lại các đơn vị thành viên bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.

Cụ thể, VNR thu gọn đầu mối chi nhánh xí nghiệp đầu máy, từ 5 xuống 3 chi nhánh; chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2, 3 về một ban quản lý dự án đường sắt có các điều kiện tốt nhất về quy mô, kinh nghiệm, thực tế... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do VNR làm chủ đầu tư; chấm dứt hoạt động của 2 Ban quản lý dự án đường sắt còn lại; hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thành Công ty CP Vận tải đường sắt.

Chú thích ảnh
VNR đang tập trung thực hiện các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, việc hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ tăng cường tính chuyên môn hóa, tách bạch vận tải hàng hóa và vận tải hành khách, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị. Sau khi hợp nhất, Công ty CP Vận tải đường sắt thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt; tiến tới xây dựng lộ trình thoái vốn tại công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa để thực hiện mục tiêu xã hội hóa vận tải hàng hóa đường sắt.

Liên quan đến các chính sách cho người lao động sau khi hợp nhất 2 đơn vị, VNR đảm bảo quá trình tái cơ cấu kế thừa lại toàn bộ, không phải cổ phần hóa, nên quyền lợi người lao động sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc sát nhập 2 doanh nghiệp sẽ làm phát sinh lao động dôi dư cần giải quyết chế độ chính sách. Để giải quyết việc này, VNR thực hiện đúng các chế độ đối với các vị trí đến tuổi nghỉ hưu của khối lao động gián tiếp, không tuyển dụng mới, chỉ tiến hành điều chuyển trong nội bộ. Riêng khối lao động trực tiếp, trên cơ sở tận dụng nguồn lực chung của các đơn vị để phân công công việc, hạn chế tuyển dụng mới.

Qua tìm hiểu, VNR sẽ tái cơ cấu mạnh mẽ, khẩn trương hoàn thiện phương án trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt trong thời gian sớm nhất, sau khoảng 8 - 10 tháng hợp nhất, sắp xếp lại các đơn vị. Để hiện đại hóa ngành đường sắt đòi hỏi nguồn vốn lớn, cần đầu tư đồng bộ cả hệ thống, không thể đầu tư hiện đại hóa từng phần.

Hơn 14.000 tỷ đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025

Báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến năm 2030 cần khoảng 240.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021 - 2025, vốn ngân sách Nhà nước bố trí hơn 14.000 tỷ đầu tư cho hạ tầng đường sắt, bằng khoảng 5,8% so với nhu cầu. 

Trong hơn 14.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025, riêng các dự án nâng cấp đường sắt hiện có được bố trí 13.441 tỷ. Trong đó: Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) được bố trí 583 tỷ; dự án Cải tạo, nâng cấp khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện tuyến đường sắt Bắc Nam 2.644 tỷ; dự án Cải tạo tuyến đường sắt khu vực Khe Nét 1.736 tỷ. Cùng đó là các dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh 1.401 tỷ; cải tạo nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh 1.963 tỷ; cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang 2.425 tỷ; Cải tạo nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn 2.256 tỷ; cải tạo, nâng cấp các ga đường sắt trên các tuyến đường sắt phía Bắc 333 tỷ...

Với kinh phí được bố trí như trên, theo lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam là chưa đảm bảo được mục tiêu về chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt được nêu tại Luật Đường sắt 2017. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công nghiệp đường sắt, quản lý kinh doanh kế cấu hạ tầng đường sắt và nhất là quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên để phát huy hiệu quả từng đồng vốn đầu tư của Nhà nước.

Ở góc độ kinh doanh, trong bối cảnh ngành Đường sắt phải cạnh tranh gay gắt với các loại hình vận tải khác, sản xuất kinh doanh quý I/2022 sụt giảm mạnh và gặp nhiều khó khăn để phục hồi sau đại dịch, VNR từ quý II/2022 đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh vận tải hàng hóa làm hướng đi chủ đạo, từng bước hỗ trợ vận tải hành khách đảm bảo doanh thu và phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc Nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm…; đồng thời, khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tích cực tham gia vào chuỗi logistics; rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các quy chế, quy định về giá cước vận tải để có cơ chế khuyến khích phát triển kinh doanh vận tải hàng hóa.

Riêng đối với vận tải liên vận quốc tế, VNR sẽ xúc tiến các biện pháp tháo gỡ các nút thắt cơ chế, chính sách để nâng cao sản lượng các tuyến Hải Phòng - Lào Cai - Hà Khẩu - Côn Minh, Hà Nội - Đồng Đăng - Bằng Tường - Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc và đi các nước thứ 3; tăng cường thu hút hàng xuất khẩu sang châu Âu bằng đường sắt...

Ngoài ra, VNR cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, kiến nghị đưa các hạng mục quan trọng như hệ thống kho bãi, nhà ga, hạ tầng… vào gói kích cầu phục hồi kinh tế của Chính phủ sau đại dịch thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023 để giải quyết các điểm nghẽn vận tải, đảm bảo việc đầu tư được đồng bộ, góp phần nâng cao năng lực và tăng hiệu quả của vận tải bằng đường sắt.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Đường sắt bắt tay ngay vào triển khai việc tái cơ cấu tổng công ty
Đường sắt bắt tay ngay vào triển khai việc tái cơ cấu tổng công ty

Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 14/4 về triển khai nội dung tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho biết, ngay sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký văn bản số 303/TTg-ĐMDN đồng ý về chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, VNR đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc để triển khai chỉ đạo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN