Một số doanh nghiệp phải triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “4 xanh”. Đa số các doanh nghiệp còn lại phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh và chuẩn bị điều kiện để tái khởi động sản xuất kinh doanh theo lộ trình phù hợp.
Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm
Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2021 giảm 5,6% so với tháng 8/2021. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, các nhóm ngành đều có chỉ số sản xuất giảm là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý rác thải...
Đồng thời, chỉ có 3/30 ngành cấp II của TP Hồ Chí Minh có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2020, gồm: sản xuất kim loại tăng 3,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,7%; khai thác, xử lý cung cấp nước tăng 0,1%. Hầu hết nhóm ngành còn lại đều giảm mạnh so với cùng kỳ như hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng; khai khoáng khác; sản xuất đồ uống; sản xuất trang phục; thoát nước và xử lý nước thải; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị...
Thống kê cho thấy, ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn khiến chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành chủ yếu trong 9 tháng năm 2021 giảm mạnh hơn so với cùng kỳ. Riêng đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 giảm 10,9% so với cùng kỳ năm truớc; trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử giảm 15,0%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 14,5%, ngành cơ khí giảm 8,1%; ngành hóa dược giảm 7,4%.
Đại diện Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng năm 2021 giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, chỉ có 2 ngành có chỉ số tiêu thụ tăng là sản xuất kim loại tăng 11,6% và sản xuất máy móc thiết bị tăng 1%.
Những con số này cho thấy, sản xuất công nghiệp của TP Hồ Chí Minh tiếp tục giảm sút, doanh nghiệp đang gặp thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo tiến độ giao hàng. Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy do khó khăn về lưu thông, nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không nhận được đơn hàng mới hoặc bị mất khách hàng.
Với phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, TP Hồ Chí Minh và người dân đang nỗ lực thực hiện tốt việc phòng chống dịch COVID-19, đẩy mạnh tiêm chủng vaccine và từng bước mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được áp dụng như cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nặng, giảm lãi suất cho vay; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cho rằng, bất kỳ nhà lãnh đạo, nhà quản lý nào cũng có những lo âu, hoang mang nhất định trong giai đoạn hiện nay từ kết quả sản xuất kinh doanh, an toàn trong vận hành công ty… Với doanh nghiệp, khi thực hiện "3 tại chỗ" và tạo môi trường sống trong điều kiện cách ly với thời gian dài không thể tránh khỏi tâm lý lo lắng cho gia đình, người thân của người lao động.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, hơn bao giờ hết, lúc này các nhà quản lý doanh nghiệp cần trở thành nhà lãnh đạo tinh thần mới có thể tạo điều kiện cho người lao động an tâm làm việc và duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, giải quyết những khó khăn về tinh thần cho người lao động, không chỉ phụ thuộc vào chuyện tài chính doanh nghiệp, mà còn nhiều yếu tố khác như truyền thông nội bộ, chính sách chăm lo đời sống...
... và giải pháp cho doanh nghiệp
Hiện nay, khó khăn lớn đối với doanh nghiệp là biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của một số địa phương chưa phù hợp với doanh nghiệp và chưa tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp kịp thời thích ứng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Công ty cổ phần Rynan Technologies, trên thực tế không thể áp đặt “Zero COVID-19” (tạm dịch: không COVID-19) cho tất cả doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp cần phải kiên trì theo dõi tình hình và sự thay đổi của chính sách để có thể bám sát quy trình, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cần điều chỉnh tốc độ với chiến lược lâu dài hơn, không dừng lại ở việc phản ứng theo thị trường mà phải có kế hoạch đặc thù với lộ trình phù hợp.
Nhận định năm 2021 có quá nhiều "cơn sóng" gây biến động thị trường, ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP Hồ Chí Minh (YBA) cho rằng, vấn đề "tái tạo" sau khi kiểm soát dịch COVID-19, doanh nghiệp sẽ không thể đi theo con đường như cũ mà nên khởi động lại và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Ở ngành hàng bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, khi hình thức mua bán truyền thống bị ảnh hưởng thì thương mại hiện đại sẽ phải gồng gánh và có thể bị quá tải.
Thời gian qua, lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến hệ thống điểm bán của Saigon Co.op từ kênh mua sắm trực tiếp (offline) đến kênh mua sắm trực tuyến (online) đều quá tải. Nhưng những phân tích về ngành hàng này lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm. Thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống với tỷ lệ chiếm hơn 75% đơn hàng, trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất; chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt...
"Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra rằng, biện pháp phòng chống dịch COVID-19, cụ thể là các chỉ thị của chính quyền địa phương cần thay đổi phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đòi hỏi doanh nghiệp phải biết cách "lấy hơi", bởi điều này ảnh hưởng đến "sức khỏe" của doanh nghiệp. Riêng nhà bán lẻ phải tìm giải pháp, thay đổi cách vận hành để thích nghi với tốc độ quá nhanh, quá nguy hiểm như hiện nay của thị trường và môi trường đầu tư, kinh doanh", ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ thêm.
Bộ Tài chính cũng đưa ra đánh giá, dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, trong khu vực và Việt Nam, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết ngành kinh tế. Bên cạnh đó, dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Nhiều ngành, lĩnh vực trong nước gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải...