Cụ thể, tỉnh Quảng Bình hỗ trợ ngư dân thị xã Ba Đồn hơn 8,1 tỷ đồng, thành phố Đồng Hới hơn 4,7 tỷ đồng, huyện Quảng Trạch gần 3,1 tỷ đồng và huyện Bố Trạch 750 triệu đồng. Kho bạc Nhà nước các địa phương có trách nhiệm thông báo công khai lịch cấp tiền hỗ trợ cho ngư dân, thuyền viên để biết, làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình xem xét xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá để hỗ trợ ngư dân trong việc duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Việc tỉnh Quảng Bình hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi nhằm giúp ngư dân giảm bớt khó khăn trong điều kiện chi phí chuyến biển tăng cao hiện nay; đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, thúc đẩy phát triển nghề cá theo hướng trách nhiệm, bền vững.
Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 3.600 tàu cá; trong đó có 1.169 tàu từ 15m trở lên chuyên khai thác xa bờ. Tính đến tháng 9/2023, tổng sản lượng khai thác thủy sản tại tỉnh Quảng Bình đạt gần 77.500 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với việc động viên, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển khai thác thủy hải sản, các sở, ngành, địa phương cũng tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm cùng các tỉnh, thành ven biển gỡ thẻ vàng EC.
Các đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện tốt quản lý, giám sát hoạt động tàu cá, đặc biệt là giám sát, theo dõi tàu cá không hoạt động, tàu cá không thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tổ chức kiểm tra, giám sát tàu cá xuất bến, cập cảng chặt chẽ theo quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra tại cảng cá, giám sát sản lượng bốc dỡ thủy sản qua cảng, thực hiện xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu EU đúng quy định; đảm bảo vệ sinh cảng cá.