Cà Mau nỗ lực chống khai thác thủy sản trái phép

Với mục tiêu lấy lại "thẻ xanh" cho hải sản Việt Nam từ Ủy ban châu Âu (EC), thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Cà Mau thường xuyên phối hợp cơ quan chức năng tỉnh tăng cường công tác quản lý, theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá đi khai thác thủy sản tại vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi; kịp thời phát hiện, xử lý tàu cá ngắt kết nối, vượt ranh sang vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản trái phép, giám sát chặt chẽ nguồn gốc hải sản.

Chú thích ảnh
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Cà Mau lập biện bản vụ việc. Ảnh: TTXVN phát

Tỉnh kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) nhằm mục đích giáo dục, răn đe, ngăn chặn có hiệu quả việc đánh bắt thủy sản trái phép, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ đội Biên phòng Cà Mau tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam và chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân ở các xã ven biển trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế biển. Nhận thức được tầm quan trọng của việc gỡ ‘‘thẻ vàng’’ của Ủy ban châu Âu (EC), ngư dân Cà Mau đã cam kết không đưa tàu đi khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ngụ Khóm 1, Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết gia đình ông có một tàu hoạt động nghề câu mực, trên tàu thường đi từ 4 đến 5 người. Từ khi có chủ trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, ông Nghĩa là một trong những người tiên phong trong việc lắp đặt thiết bị, nhờ đó bảo toàn được tài sản trị giá hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ, vào cuối năm 2021, thuyền trưởng của ông đã tự ý cho tàu vượt ranh giới qua vùng biển nước ngoài khoảng 3 hải lý. Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc đã kịp phát hiện kêu gọi thuyền trưởng, đồng thời thông báo cho gia đình ông cùng phối hợp kêu gọi thuyền trưởng điều khiển tàu nhanh chóng quay về vùng biển Việt Nam. Sau đó, chủ tàu và thuyền trưởng đã cam kết không tái phạm, chấp hành nghiêm quy định hoạt động đúng nghề, đúng vùng tuyến theo giấy phép.

Theo ông Nguyễn Đình Trĩu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, chế tài pháp luật hiện hành chưa có quy định xử lý nghiêm khắc đối với thuyền trưởng vi phạm, nhưng sắp tới đây theo đề xuất của các ngành chức năng và lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển, mức xử phạt đối với thuyền trưởng sẽ được áp dụng.

Cà Mau hiện có gần 5.000 tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản, trong đó có trên 1.500 phương tiện thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đến nay 100% phương tiện đã lắp đặt theo đúng quy định.

Chú thích ảnh
Tang vật thu giữ tại hiện trường. Ảnh: TTXVN phát

Thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 12/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Theo Thượng tá Phùng Đức Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm theo quy định, UBND tỉnh đã đặt Trung tâm điều hành giám sát tàu cá tại cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để quản lý, vận hành. Từ Trung tâm giám sát sẽ nhận biết tất cả tín hiệu tàu cá, cả số đang chạy và neo đậu, kể cả tàu đang neo đậu trong bờ hay ngoài biển. Nhờ đó, Bộ đội Biên phòng sẽ biết mọi thông số như ký hiệu, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại, đang ở kinh độ, vĩ độ nào... Nếu Trung tâm phát hiện có phương tiện đang hải trình gần vùng biển giáp ranh với các nước, Bộ đội Biên phòng sẽ sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi thuyền trưởng, hoặc thông báo cho chủ phương tiện biết để kịp thời điều khiển phương tiện quay trở lại. Phương tiện nào cố tình vi phạm sẽ căn cứ vào dữ liệu này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Để nhanh chóng gỡ ‘‘thẻ vàng’’ của Ủy ban châu Âu (EC), Bộ đội Biên phòng Cà Mau kêu gọi mỗi chủ tàu, mỗi ngư dân Cà Mau cần thực hiện khai thác thủy sản có trách nhiệm, đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên biển, chấp hành nghiêm việc đánh bắt thủy sản đúng vùng tuyến, đúng quy định pháp luật Việt Nam và các nước trong khu vực. Đây là hành động thiết thực góp phần nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia nói chung và mặt hàng thủy sản nói riêng trên thương trường quốc tế.

Kim Há – Lê Khoa (TTXVN)
Quảng Ninh bắt giữ các tàu khai thác thủy sản trái phép
Quảng Ninh bắt giữ các tàu khai thác thủy sản trái phép

Ngày 23/3, Cơ quan chức năng huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) thông tin, địa phương này vừa bắt giữ 2 tàu khai thác thủy sản trái phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN