Nông dân gieo trồng giống lúa này sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng, chịu thiệt thòi khi xảy ra sự cố trong việc thực hiện hợp đồng ký kết, bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng.
Đồng Tháp hiện có khoảng 280 ha sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và lúa Hè Thu 2020 của 113 hộ nông dân ở 4 huyện Tân Hồng, Cao Lãnh, Tháp Mười, Châu Thành gieo sạ giống lúa Thiên Đàng. Khác với “những lời quảng cáo có cánh” của công ty, khi gieo, giống lúa này bị nhiễm đạo ôn và một số đối tượng dịch hại khác như muỗi hành, sâu lá…; trong đó, đạo ôn bị nhiễm nặng. Nếu thực hiện theo quy trình, năng suất lúa rất thấp chỉ đạt từ 3 - 4 tấn/ha.
Tại xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành - nơi có 20 hộ nông dân ký kết sản xuất với Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng diện tích 15 ha trong vụ Hè Thu 2020, đại diện các hộ sản xuất - ông V.C.R cho biết, sản xuất một vụ là “ngán” luôn. Đầu vụ nghe lời quảng cáo có cánh “Thiên Đàng” bao nhiêu, cuối vụ nông dân như rơi tõm xuống đáy. Đến ngày thu hoạch, công ty “biệt tăm”, nông dân phải tìm bán cho thương lái bên ngoài với giá 5.200 đồng/kg.
Trước đó, thay vì sản xuất lúa chất lượng cao như mọi năm, ông V.C.R chuyển 1,1 ha sang trồng lúa Thiên Đàng. Giống lúa này được quảng cáo sau khi sạ chỉ tiến hành phun xịt thuốc diệt ốc, rồi sử dụng khoảng 10 - 12,5 kg phân bón cho cả vụ, có tính kháng bệnh cao so với các giống cùng loại, sau sạ khoảng 105 ngày có thể thu hoạch và cho năng suất cao...
Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng còn cam kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm do nông dân sản xuất. Cụ thể, công ty cung cấp giống với giá 50.000 đồng/kg, phân bón (đến cuối vụ thu tiền). Ngoài ra, phía công ty này còn cam kết thu mua lúa giá 10.000 đồng/kg, đặc biệt sẽ bồi thường lợi nhuận cho nông dân trong trường hợp họ không đạt lợi nhuận theo mức là 2 triệu đồng/1.000 m2.
Tuy nhiên, đến khi lúa đang trong giai đoạn làm đòng, nhân viên công ty "vắng bóng" cho dù nông dân cố gắng liên lạc để thương thảo vụ mùa và hỗ trợ vì lúa nhiễm sâu, bệnh có thể ảnh hưởng năng suất. Sau nhiều lần gọi, người tên Quy - tự xưng là Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng đưa ra nhiều lý do vòng vo về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến giá lúa, gạo bị giảm. Do đó, người này đề xuất với nông dân mua lúa với giá từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, nếu đồng ý sẽ sang để ký kết hợp đồng.
Điều đáng nói, khi lúa chín, không thấy người của công ty đến làm việc lại với nông dân về tiêu thụ sản phẩm. Trong vai người sản xuất lúa Thiên Đàng, phóng viên TTXVN một lần nữa liên hệ với phía công ty để tìm hiểu đầu ra cho 15 ha trồng lúa Thiên Đàng. Bằng nhiều cách, chúng tôi có số điện thoại riêng của ông Bùi Tấn Kiệt (tự Ba Lực), Bùi Thoại Anh – Giám đốc Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng nhưng đều không liên hệ được.
Khi kết nối với người tên Chỉnh trước đây vốn là nhân viên chuyển giống và phân cho người dân thì được thông tin, hiện rất nhiều thương lái bên ngoài mua lúa này với giá 5.200 đồng/kg và kèm câu nói chẳng biết đùa hay thật “hay là để xay ăn”.
Ông Huỳnh Trung Phượng - Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua xác minh, nơi đăng ký giấy phép kinh doanh của Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang không rõ ràng, minh bạch. Địa chỉ trên là hộ dân kinh doanh thực phẩm giải khát. Không chỉ vậy, sản phẩm giống lúa Thiên Đàng được công ty mua từ Thái Lan, tự nhân giống và đặt tên, đặc biệt không có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Như vậy, các cá nhân kinh doanh giống lúa này đã vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 Luật Trồng trọt và bị xử lý theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, hợp đồng liên kết cung cấp lúa giống, tiêu thụ sản phẩm không có cơ sở pháp lý, không có chứng thực của địa phương, chỉ là nông dân trực tiếp ký kết với công ty, nên họ sẽ là bên bị ảnh hưởng, thiệt hại về mặt kinh tế và chịu rủi ro khi sản xuất, nếu xảy ra sự cố.
Người dân chủ yếu tin vào “mật ngọt” lợi nhuận 2 triệu đồng/1.000 m2/vụ nhưng không biết giống lúa Thiên Đàng chưa được xác nhận và không nằm trong danh mục sản xuất. Điều đáng nói, khi thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, chỉ một số nông dân được công ty thực hiện đúng hợp đồng ký kết ban đầu với giá 10.000 đồng/kg. Trên các diện tích còn lại thì “thương nhân” bỗng nhiên “mất tích”. Nông dân đành chọn cách bán ra bên ngoài với giá từ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, dao động tương đương với giá lúa phẩm cấp thấp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị, ngành nông nghiệp các địa phương trên địa bàn tỉnh theo dõi, rà soát, ngăn chặn kịp thời khi người dân gieo sạ giống lúa Thiên Đàng; đồng thời, phối hợp với ngành chức năng tiến hành làm việc với các đối tượng và “vệ tinh”, đầu mối trung gian để xử lý theo đúng pháp luật.
Ngành nông nghiệp các địa phương cần tuyên truyền, khuyến cáo để người dân không tiếp tục sản xuất giống lúa Thiên Đàng; cần sử dụng các giống lúa chất lượng đã được địa phương đưa vào kế hoạch sản xuất từng năm, từng vụ.