Kiểm tra chất lượng giống lúa lai tạo chịu mặn trên ruộng thực nghiệm của Viện lúa ĐBSCL. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN |
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2017 cả nước sẽ gieo trồng hơn 7 triệu ha lúa, với diện tích như thế người dân phải sử dụng hết khoảng 1 triệu tấn lúa giống, chi phí sản xuất sẽ tăng rất nhiều, lợi nhuận từ trồng lúa sẽ giảm đáng kể.
Không biết đến sử dụng bản quyền giống Theo khảo sát, hầu như các hộ nông dân sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa biết đến việc phải chi trả tiền bản quyền giống mà họ sử dụng hằng năm. Ông Đặng Thanh Vân, ngụ tại ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, gia đình ông mua giống của Công ty TNHH Tấn Vương để sản xuất. Khi thu hoạch thì được Tấn Vương thu mua toàn bộ số lúa trên ruộng.
Đồng thời, sau khi kiểm nghiệm đạt chất lượng theo yêu cầu thì nông dân sẽ được chi trả thêm 10% trên mỗi kg lúa. Cứ như vậy, nông dân sản xuất từ vụ này sang vụ khác, chứ không biết đến phải chi trả tiền bản quyền sử dụng giống lúa như thế nào. Nếu các công ty bán giống thu thêm tiền bản quyền sẽ làm tăng chi phí đầu vào, nông dân chẳng còn lãi bao nhiêu.
Trước việc này, PGS. TS Võ Công Thành, Giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hiện tượng nông dân không biết đến phí bản quyền giống trên mỗi kí lúa dùng để gieo sạ diễn ra phổ biến.
Trước hết, những đơn vị kinh doanh giống lúa nhỏ lẻ tự mua giống của những đơn vị sản xuất lớn, rồi tự sản xuất và kinh doanh mà không trả chi phí chuyển nhượng bản quyền. Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng cũng từng rơi vào trường hợp bị các đơn vị kinh doanh giống nhỏ lẻ mua giống do khoa nghiên cứu ra rồi sản xuất kinh doanh mà không xin phép chuyển nhượng.
Với số lượng lúa giống sử dụng để sản xuất trong 1 năm như trên, với giá chuyển nhượng là 200 đồng/kg, nếu không thu phí bản quyền chuyển nhượng và sử dụng thì những nhà nghiên cứu lúa giống đã thất thoát ít nhất từ 1-1,2 tỷ đồng/năm, PGS TS Võ Công Thành tính toán.
Trong các tỉnh sản xuất lúa, tỉnh An Giang thực hiện các quy định về thực hiện bản quyền giống lúa khá chặt chẽ. Mỗi năm An Giang sử dụng 96.000 tấn lúa giống. Những giống này được doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống lúa mua các giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và phá triển nông thôn công nhận chính thức từ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long hoặc Trung tâm giống Bình Đức (thuộc tập đoàn Lộc Trời) công bố hợp quy rồi bán ra thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Phụng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, An Giang có 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa đã công bố hợp quy, phần lớn các giống lúa sản xuất là giống đại trà từ các Viện, Trường. Trong năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phổ biến các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực giống cây trồng, văn bản bảo hộ giống cây trồng, cũng như nghị định xử phạt đối với việc vi phạm bản quyền, có sự tham gia công ty, doanh nghiệp.
Cũng thời gian này, Thanh tra chuyên ngành thuộc Sở đã thành lập đoàn kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp; trong đó, có kiểm tra lĩnh vực sản xuất kinh giống lúa, đã phát hiện và xử lý hành vi sản xuất giống với mục đích thương mại không có tên trong danh mục, giống lúa không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định và chưa phát hiện trường hợp nào sản xuất, kinh doanh giống vi phạm bản quyền.
Hướng đến thu phí bản quyền giống lúa Ruộng lúa giống trong thời kỳ khảo nghiệm của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Nhằm đảm bảo sản phẩm trí tuệ được công nhận và bảo vệ, hướng đến khẳng định vị trí và vai trò của các nhà nghiên cứu, tạo ra sản phẩm tốt cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất lúa nói riêng, nhiều ý kiến được đưa ra là phải thu phí sử dụng bản quyền giống và có chế tài xử phạt vi phạm bản quyền này, dù mức phí này rất nhỏ.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (nguyên viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long) cho rằng, việc thực hiện thu phí bản quyền giống lúa có thể giúp nhà doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu giống lúa có thể khẳng định sản phẩm của họ làm ra.
Đây cũng là nguồn kinh phí để các đơn vị nghiên cứu giống tiếp tục cho ra đời nhiều giống lúa ưu việt hơn. Tuy nhiên, mức phí này không được quá cao và phải hợp lí với đời sống của nông dân tham gia sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Chí Hiếu, Phó giám đốc ngành giống, Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Tập đoàn Lộc Trời luôn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Pháp luật về quyền Sở hữu Trí tuệ trong lĩnh vực giống cây trồng, đăng ký bảo hộ đầy đủ và kịp thời các giống lúa mới.
Ở thời điểm hiện tại, căn cứ các quy định của Pháp luật về quyền Sở hữu Trí tuệ, Lộc Trời đã đăng kí sở hữu quyền sản xuất và kinh doanh các giống lúa LỘC TRỜI 1, OM 5451, OM 2514, OM 2517 và OMCS 2000. Hiện nay Lộc Trời thu phí bản quyền giống lúa là 200 đồng/kg khi các đơn vị và hộ nông dân có nhu cầu sử dụng những giống lúa trên.
Bà Hiếu chia sẻ, để đảm bảo các giống lúa của các doanh nghiệp được bảo hộ, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và kiến thức về quyền Sở hữu Trí tuệ giống cây trồng cho các đơn vị đang sản xuất và kinh doanh giống.
Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực thi chặt chẽ, mạnh mẽ, khách quan và minh bạch về quyền Sở hữu Trí tuệ giống cây trồng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng phải có chế tài xử phạt cao hơn mức lợi nhuận đạt được đối với việc vi phạm bản quyền giống lúa như hiện nay.
"Với việc sử dụng giống cây trồng nói chung và giống lúa nói riêng, hiện nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có những quy định về đăng kí bản quyền sử dụng, kinh doanh giống. Trong trường hợp đơn vị hoặc cá nhân nào sử dụng giống nhằm mục đích kinh doanh, mua bán mà không đăng kí bản quyền hoặc vi phạm bản quyền của đơn vị sản xuất đã đăng kí bản quyền sẽ bị xử phạt theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn", ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng cây lương thực và cây thực phẩm, Cục trồng trọt cho biết.