Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện An Giang là tỉnh đi đầu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong xã hội hóa giống lúa. Phong trào nhân giống lúa cộng đồng ở tỉnh An Giang khởi nguồn từ năm 2004, đến năm 2019 vẫn được duy trì ổn định về diện tích, sản lượng giống xác nhận phục vụ sản xuất lúa hàng hóa, nông dân đã hiểu và nhận thức được vai trò của lúa giống trong sản xuất, tự nhân giống phục vụ sản xuất và kinh doanh.
“Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 26.000 ha đến 31.000 ha nhân giống lúa với 4.500 - 6.000 nông dân tham gia, có 160 tổ nhân giống, mỗi xã thành lập ít nhất 1 tổ nhân giống và khoảng 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống”, ông Thư thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, hiện An Giang có khả năng cung cấp từ 150.000 tấn đến 164.000 tấn giống lúa mỗi năm, khả năng cung cấp khoảng 90% nhu cầu giống cho sản xuất tại An Giang, với các giống được nhân chủ yếu: OM 6976, OM 4900, Jasmine, OM 5451, OM 9577, OM 9582, IR50404…
Nhờ làm tốt xã hội hóa giống lúa, thời gian qua tỉnh An Giang đã cung cấp nguồn lúa giống tốt và giá cả phù hợp nhu cầu của nông dân; đồng thời là nền tảng để triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật: Chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạn chế tác động đến môi trường.
Là vựa lúa của cả nước, nên cũng giống như các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm, An Giang sản xuất lên đến 3 vụ lúa. Đến năm 2019, tổng diện tích gieo trồng cả năm của An Giang đạt hơn 680 ngàn ha; trong đó diện tích lúa hơn 620 ngàn ha. Năng suất lúa bình quân cả năm 2019 đạt 6,3 tấn/ha với sản lượng gần 4 triệu tấn, An Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất cả nước, chỉ sau Kiên Giang.
Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, sau 10 năm thực hiện đề án “Phát triển sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo Quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ”; cơ cấu giống lúa của tỉnh An Giang có sự chuyển đổi mạnh mẽ, những năm 2000 tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao còn thấp, đến năm 2018 có khoảng 70% diện tích sử dụng các loại giống có chất lượng cao như: OM6976, OM4218, OM5451, Jasmine, ….
Mỗi vụ lúa, ngành nông nghiệp An Giang phối hợp với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long thực hiện trình diễn bộ giống lúa có triển vọng ở các huyện, thị, thành trong tỉnh. Qua đó, tổ chức hội thảo cho nông dân đánh giá, lựa chọn giống phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương. Kết quả các điểm trình diễn giống là cơ sở cho ngành nông nghiệp khuyến cáo các giống lúa phục vụ sản xuất, phù hợp với từng vùng sinh thái trong tỉnh. Thời gian qua, tỉnh An Giang đã khuyến cáo một số giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho bà con nông dân gieo trồng như: OM4900, OM6377, OM8927, OM7347, OM9582...
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, giai đoạn 2010 - 2019, có khoảng 6 - 10% sản lượng lúa và các loại nông sản chủ lực khác của tỉnh được các doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của nông dân thực hiện liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng.
"Mỗi năm, trung bình có 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân, khoảng 25 tổ chức đại diện nông dân như: hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia thực hiện liên kết. Riêng đối với năm 2019, ước thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với diện tích khoảng 40.000 ha đạt khoảng 6% diện tích gieo trồng cả tỉnh và dự kiến đến năm 2020 con số này tăng lên 50.000 ha”, ông Lâm thông tin.
Thời gian qua, tỉnh An Giang cũng chú trọng hình thành các vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa chất lượng cao, lúa gạo đặc sản để các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ như vùng chuyên canh sản xuất lúa nếp Phú Tân với diện tích 22.500 ha; vùng chuyên canh sản xuất lúa Jasmine Châu Phú với diện tích 1.150 ha; vùng bảo tồn lúa mùa nổi với diện tích 100 ha.
Bên cạnh đó, An Giang luôn chú trọng vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách từ trung ương để triển khai mạnh mẽ chương trình cánh đồng lớn có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, kêu gọi đầu tư, tăng cường năng lực cho tổ chức nông dân, hợp tác xã, tạo tiền đề đẩy mạnh sản xuất theo hướng chuỗi hàng hóa lớn.
Tỉnh tăng cường nghiên cứu các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, xây dựng mô hình thí điểm cánh đồng lớn theo phương châm 4 H là: Hợp tác - hiện đại - hài hòa, thân thiện môi trường - hiệu quả, ở quy mô tối thiếu 50 ha hay nghiên cứu chuỗi giá trị cây nếp nhằm thúc đẩy thị truờng cho sản phẩm lúa gạo. Qua đó tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo An Giang.
Hiện tỉnh An Giang cũng đã hình thành vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao và bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. An Giang đã hình thành được 4 vùng sản xuất lúa gạo đạt chứng nhận sản phẩm GlobalGAP với diện tích 260 ha, trên giống lúa Jasmine và được doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm, đồng thời hỗ trợ tái chứng nhận hàng năm. Kết quả việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa cao sản có hiệu quả, giúp giảm lượng giống gieo sạ từ 50 - 100 kg/ha, tiết kiệm vật tư đầu vào, tăng lợi nhuận bình quân ước khoảng 2 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, An Giang thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP từ vụ Đông xuân 2017 - 2018, được thực hiện với tổng diện tích 175 ha/vụ tại Hợp tác xã Thạnh Giang, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn tất cả sản phẩm được thu mua với mức giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg và thưởng thêm 150 đồng/kg lúa tươi nếu kiểm tra mẫu lúa đạt tiêu chuẩn dư lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Để tăng cường động lực thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gąo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ vào khâu tổ chức sản xuất, phục tráng, lai, chọn tạo các giống đặc sản địa phương, các bộ giống theo hướng năng suất cao, phẩm chất tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu điều kiện thời tiết bất lợi hạn, lũ, mặn và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu như: Nàng Nhen, Hồng Ngọc Óc Eo, Huyền Ngọc, nếp Phú Tân, Jasmine 85 Châu Phú, TAG1, TAG2.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có ứng dụng công nghệ cao như: Vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao của Việt Úc - quy mô: 104 ha; vùng sản xuất cá tra công nghệ cao của Công ty Nam Việt Bình Phú - quy mô 600 ha; vùng sản xuất chuối công nghệ cao Vĩnh Phát: quy mô 400 ha. Hình thành được vùng chuyên canh sản xuất xoài với quy mô trên 5.000 ha ở huyện Chợ Mới.
Thời gian tới, An Giang tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng, theo nhu cầu thị trường; trong đó lấy doanh nghiệp và nông dân làm trọng tâm; nhà nước giữ vai trò kiến tạo bằng các chính sách đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân và các thành phần tham gia cùng phát triển. Tỉnh An Giang luôn xem nhiệm vụ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xem doanh nghiệp là động lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn và có doanh nghiệp đầu tư mới thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị...