Khuyến cáo nông dân khi gieo sạ giống lúa Thiên Đàng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh có khoảng 54,5 ha nông dân gieo trồng giống lúa Thiên Đàng của Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng. Hiện ngành chức năng đang ngăn chặn việc người dân gieo sạ lúa giống Thiên Đàng bởi loại lúa này không có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Những lời có cánh

Chú thích ảnh
Lúa Thiên Đàng được gieo trồng tại xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Qua tìm hiểu của phóng viên, trong vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020, Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp diện tích 39,5 ha gồm các xã Tân Thành A với diện tích 9 ha, xã Tân Công Chí diện tích 8 ha, xã Tân Hộ Cơ diện tích 22,5 ha. Trong vụ Hè Thu, có 20 hộ nông dân xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành ký kết sản xuất với công ty này diện tích 15 ha.

Những ngày tháng 5, chúng tôi đến xã An Phú Thuận tìm hiểu việc canh tác giống lúa mang tên Thiên Đàng. Ông Văn Công Ri, tổ trưởng Tổ hợp tác lúa giống chất lượng cao xã An Phú Thuận cho biết, đây là vụ đầu tiên gia đình ông không sản xuất lúa chất lượng cao mà chuyển 1,1 ha trồng lúa Thiên Đàng.
 
Lý giải điều này, ông Ri nói, thông thường vụ Hè Thu nông dân trồng lúa khó có khả năng có lãi do sâu bệnh, thời tiết… Qua lời giới thiệu của nông dân ở tỉnh Vĩnh Long và  đại diện Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng thì giống lúa này khi sạ chỉ tiến hành phun xịt thuốc diệt ốc, sau đó sử dụng phân khoảng 10 - 12,5 kg cho cả vụ. Đây là giống lúa có tính kháng bệnh cao so với các giống cùng loại. Sau sạ khoảng 105 ngày có thể thu hoạch và cho năng suất cao.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng cam kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm do nông dân sản xuất. Cụ thể, công ty cung cấp giống với giá 50.000 đồng/kg, phân bón (đến cuối vụ thu tiền). Ngoài ra, phía công ty này “rót mật vào tai” nông dân khi cam kết thu mua lúa giá 10.000 đồng/kg, đặc biệt sẽ bồi thường lợi nhuận cho nông dân trong trường hợp nông dân không đạt lợi nhuận theo mức là 2 triệu đồng/1.000 m2.

Cũng xuống giống lúa Thiên Đàng hơn 3.000 m2, ông Phan Ngọc Thành ngụ ấp Hòa Thuận, xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành cho biết, ban đầu khi nghe về giống lúa Thiên Đàng cũng có tâm lý “bán tín, bán nghi”. Vì xưa nay giống lúa này chưa xuất hiện đại trà và nông dân các vùng lân cận không hề canh tác. Tuy nhiên, qua đi thực tế tham quan mô hình của nông dân cùng những “lời có cánh” về lợi nhuận sau thu hoạch, ông Thành mới xuống giống.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phạm Minh Tấn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Phú Thuận, cho biết: Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng đến trực tiếp Tổ hợp tác lúa giống chất lượng cao An Phú Thuận để giới thiệu cho nông dân về giống lúa Thiên Đàng và không hề thông qua chính quyền hay ngành chức năng. Sau đó, nông dân tiến hành gieo sạ, khi nhận được thông tin, lúa đã 15 ngày tuổi. Hiện tại, chính quyền xã nắm tình hình trên tinh thần tìm hiểu kỹ về hợp đồng, kỹ thuật chăm sóc, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình để có hướng giải quyết”.

“Mất tích” thương nhân

Chú thích ảnh
15 ha lúa Thiên Đàng được gieo trồng tại xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. 

Tiếp cận nông dân bằng “những lời có cánh”, tuy nhiên, đến nay, lúa đang trong giai đoạn làm đòng, nhưng nhân viên công ty vắng bóng, mặc dù nông dân cố gắng liên lạc để thương thảo vụ Mùa. Trong vai nông dân sản xuất lúa giống, phóng viên TTXVN gọi điện thoại đến số máy của một người tên Quy, tự xưng là Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng.
 
Sau nhiều lần gọi, người tên Quy này có nghe máy, sau khi đưa ra nhiều cớ vòng vo, vị này cho rằng, hiện nay, tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến giá lúa, gạo bị giảm. Do đó, người này có đề xuất với nông dân là mua với giá từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, nếu đồng ý sẽ sang để ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, đã nửa tháng trôi qua, phía công ty vẫn bặt tăm.

Vụ hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với nông dân huyện Tân Hồng, Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng thực hiện tiêu thụ đúng như hợp đồng ban đầu trên diện tích 17 ha (xã Tân Thành A và Tân Công Chí). Còn lại diện tích 22,5 ha (xã Tân Hộ Cơ) thì giảm giá xuống còn 7.000 đồng/kg, sau đó không thu mua. Đến nay, lúa đã thu hoạch xong nông dân bán cho thương lái bên ngoài là 5.000 đồng/kg, năng suất bình quân 4,2 tấn/ha.

Ông Phạm Văn Tâm, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành cho biết, ngành chuyên môn đang trực tiếp theo dõi, hướng dẫn bà con kỹ thuật để kịp thời can thiệp giai đoạn sinh trưởng quan trọng nhất của cây lúa, để đảm bảo năng suất, giảm thiệt hại cho người dân. Song, cũng khuyến cáo nông dân vào mỗi vụ sản xuất, khi có giống lúa mới du nhập, nông dân nên báo chính quyền, ngành chức năng để nắm thông tin. Để đảm bảo sản xuất cho các vụ lúa tiếp theo, ngành nông nghiệp cũng khuyến nghị nông dân vụ sau nên cày xới, vệ sinh, phơi ải đồng ruộng nhằm tránh độ lẫn tạp cho vụ sau. 

Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, việc Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng thực hiện cung cấp giống lúa và bao tiêu sản phẩm, ký hợp đồng từng hộ nông dân, không có xác nhận địa phương, không xác nhận của văn phòng công chứng. Mặt khác, trên một số diện tích thu hoạch, doanh nghiệp tiến hành thu mua, nhưng không theo hợp đồng đã ký kết ban đầu, nhiều khả năng sẽ gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Trong thời gian tới, nhằm tăng kiểm soát chặt chẽ và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống lúa tại địa phương, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu việc sản xuất, kinh doanh sử dụng giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ là trái với quy định pháp luật về quản lý giống cây trồng.

Đồng thời, địa phương thông tin nhanh và rộng rãi đến nông dân để nâng cao nhận thức không tiếp tục gieo trồng giống lúa có tên “Thiên Đàng” nhằm tránh thiệt hại xảy ra trong sản xuất. Ngoài ra, khuyến cáo sử dụng giống lúa có năng suất cao thuộc các giống lúa chủ lực trong kế hoạch sản xuất ở địa phương, phù hợp thị trường và phát triển theo hướng cánh đồng lớn, có liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Bà và ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Năm 2021 sẽ có giống lúa chịu mặn trồng được trên biển
Năm 2021 sẽ có giống lúa chịu mặn trồng được trên biển

Trồng lúa trên biển nghe có vẻ vô lý song trên thực tế, nông nghiệp đại dương đang dần trở thành hình thức sản xuất lương thực, thực phẩm đầy tiềm năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN