Nhà nông thờ ơ với VietGAP

Được xem như giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và cả xuất khẩu, nhưng việc sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice - GAP) vẫn chưa thuyết phục được nhiều nhà nông tham gia.

Áp lực về thị trường xuất khẩu, nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đang là áp lực cho nhà nông phải thay đổi tập quán canh tác hướng đến chất lượng nông sản an toàn.


Hiệu quả không cao

Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lần đầu tiên ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP), chủ yếu dành cho 3 đối tượng chủ lực là cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Theo đó, sản phẩm nông nghiệp ngoài việc đảm bảo an toàn thực phẩm, dịch bệnh, môi trường còn phải đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuân thủ quy trình này, thủy sản có chứng nhận VietGap sẽ có giá trị cao hơn so với các sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường và cơ hội rộng mở khi xâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
“Mặc dù đã có quá trình triển khai khá lâu nhưng đến nay cả nước mới có 6 doanh nghiệp có vùng nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP. Hộ nuôi cá thể thực hiện theo quy trình này còn ít hơn. Nguyên nhân chính là chi phí nuôi tăng lên 20-25% nhưng giá bán vẫn ngang bằng thủy sản nuôi thường. Trong khi đó, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận lại quá rườm rà, mất thời gian”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh sản xuất rau theo tiêu chuẩn GAP ở các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi… và mục tiêu đến năm 2015 sẽ phát triển diện tích khoảng 15.000 ha. Thế nhưng, khảo sát của ngành chức năng mới đây cho thấy, giá rau sản xuất sạch theo tiêu chuẩn GAP có giá bán chỉ cao hơn rau thông thường từ 5-10%, trong khi đó nếu không được bao tiêu thì khó tiêu thụ ra thị trường nên người trồng không muốn tăng diện tích. Hiện hầu hết nhà nông chỉ sản xuất đủ cho các mối đặt hàng, còn phần lớn diện tích dành cho sản xuất rau thông thường cung cấp cho chợ. 

Kết quả khảo sát  của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản mới đây cho thấy, giá bán rau được chứng nhận VietGAP chỉ cao hơn giá bán rau thường ngoài thị trường từ 2-5%. Điều đáng quan tâm hơn là thói quen mua sắm của người tiêu dùng vẫn thích mua rau ở các chợ truyền thống, trong khi hệ thống phân phối rau an toàn ở các địa phương lại chưa được mở rộng. Trong khi đó, nhiều “thượng đế” còn có tâm lý ngán ngại, không tin tưởng vào chất lượng của rau an toàn khi vẫn còn tình trạng vì lợi nhuận doanh nghiệp bán lẻ sẵn sàng trà trộn rau bình thường để bán với giá cao. Riêng giá bán thịt lợn chăn nuôi đạt chứng chỉ Global GAP hoặc chăn nuôi theo hướng VietGap cũng chỉ bằng giá lợn nuôi thông thường nên chưa khuyến khích được người chăn nuôi.

Hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Theo ông Trương Đình Hòe, việc thực hiện VietGAP đối với các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực hiện chỉ dừng lại ở mức khuyến khích và từ năm 2015 chỉ có cá tra là bắt buộc phải thực hiện. “Để áp dụng thành công, ngành chức năng sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Quyết định 01/2012/QĐ-TTg nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai hỗ trợ sản xuất. Ngoài ra, cần có chế độ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hợp lý đối với hộ nuôi và sản xuất kinh doanh áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP. Trước mắt, để giúp việc áp dụng VietGAP đối với hộ nuôi cá tra khả thi, các hộ nuôi nhỏ lẻ cần liên kết với nhau nhằm giảm chi phí tư vấn, chi phí kiểm tra, đánh giá chứng nhận VietGap…”, ông Hoè cho biết.


Trong động thái mới nhất, Bộ NN&PTNT vừa yêu cầu các tỉnh căn cứ vào điều kiện và thế mạnh của mình xác định từ 1 - 3 loại cây chủ lực để tập trung đầu tư, trong đó ưu tiên chọn những loại cây có thể cạnh tranh. Bộ cũng chủ trương xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tập trung tại 2 khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long với hình thức sản xuất theo hướng thâm canh, áp dụng quy trình GAP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cục Trồng trọt cũng đề xuất ban hành “Hướng dẫn thực hiện các tiêu chí cơ bản của VietGAP cho sản xuất rau” chỉ còn 26/65 điểm kiểm soát trong 10 nhóm tiêu chí cơ bản và nó cũng được chia ra 2 mức là “bắt buộc thực hiện” và “khuyến khích hay cần thiết áp dụng nhưng vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm và truy nguyên nguồn gốc”.

“Để triển khai chương trình quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện bộ khung pháp lý, quản lý tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật canh tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Các ngành chức năng cũng đang tăng tốc xây dựng quy trình thẩm định và quản lý thị trường cho các sản phẩm an toàn thông qua việc củng cố quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát, xử phạt... Từng bước nâng cao được nhận thức cho cả người sản xuất và người tiêu dùng về những sản phẩm nông sản an toàn hướng tới cả thị trường nội địa và xuất khẩu”, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho hay.


Bài, ảnh: Lê Nghĩa

Nhân rộng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chí VietGAP
Nhân rộng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chí VietGAP

Nhằm đảm bảo an toàn và truy xuất nguồn gốc, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, tỉnh Tiền Giang triển khai dự án "Xây dựng và nhân rộng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chí VietGAP" tại các huyện thị trọng điểm trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN