Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - NAFIQAD thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sau 6 năm triển khai, 20 mô hình điểm chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn (do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada tài trợ) gồm rau, thịt lợn, thịt gà, hoa quả theo VietGAP/GMPs (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) tại 8 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã vận hành tốt và được kiểm chứng. Từ những thành công đã thẩm định, các mô hình này đang được nhân rộng ra toàn quốc.
Để rút kinh nghiệm và đưa ra các mô hình sản xuất hiệu quả, ngày 5/9, hội thảo tổng kết, phổ biến mô hình điểm chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm theo VietGAP/GMPs do NAFIQAD và Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (Cơ quan phát triển quốc tế Canada) đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Thông tin tại hội thảo cho biết, đến nay có 13/13 mô hình điểm rau, quả tại Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai, Tiền Giang và Bắc Giang đã được chứng nhận VietGAP; 11/11 trại chăn nuôi lợn và 9/14 trại gà đã được chứng nhận VietGAP; 6/6 cơ sở giết mổ thịt lợn và thịt gà và 5/5 cơ sở bán thịt lợn và thịt gà được đánh giá đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Dự án cũng xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cấp tỉnh và đang vận hành thử nghiệm hệ thống tại tỉnh Lâm Đồng cho chuỗi giá trị ngành hàng rau và tại Đồng Nai đối với sản phẩm thịt lợn và thịt gà. Đồng thời, dự án đang tiếp tục triển khai các hoạt động về tiếp cận thị trường cho nông sản.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Mỹ Linh, Viện Nghiên cứu cây ăn quả, qua khảo sát cho thấy, do tuân thủ theo quy trình công nghệ nên các vật tư đầu vào của sản xuất theo VietGAP thấp hơn so với sản xuất thông thường; lợi nhuận sản xuất theo VietGAP với chi phí đầu vào, sản xuất thấp mà giá bán ngang bằng hoặc cao hơn so với sản xuất thông thường nên lợi nhuận sản xuất theo VietGAP do dự án tài trợ thường cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường.
Liên Phương