Xã Tiên Long có 153 ha sầu riêng nhưng, do ảnh hưởng của nước mặn, nguồn nước ngọt không đủ tưới, một số vườn sầu riêng của người dân có dấu hiệu vàng lá, rụng lá, rụng quả.
Anh Phạm Thanh Sơn có 4.000 m2 diện tích sầu riêng đã 11 năm tuổi, các cây đang cho quả non được khoảng một tháng nhưng do không có đủ nước ngọt tưới nên lá bị vàng, rụng lá. Vì sợ cây suy kiệt nên anh Sơn thuê người về cắt bỏ hết quả non, bỏ bớt cành để cứu cây.
Hiện nay, độ mặn trên sông Hàm Luông rất cao, có lúc đo được trên 10‰ nên anh Sơn phải mua nước ngọt từ các sà lan với giá 55.000 đồng/m3 về trữ dưới mương để tưới phun sương cho lá, tưới nhỏ giọt cho gốc để giữ ẩm.
Anh Sơn cũng cho biết, mỗi tháng phải mua khoảng 150 m3 nước ngọt để tưới cho vườn sầu riêng. Trước đây chưa có mặn thì ngày tưới, ngày nghỉ, còn bây giờ ngày nào cũng tưới nhưng tưới tiết kiệm và phải tưới ban đêm để nước không bị bốc hơi. Tuy nhiên, điều anh Sơn lo lắng nhất là nước mặn còn kéo dài, khả năng cây sẽ suy yếu dần và chết vì thiếu nước.
Hiện nay, ấp Tiên Lợi của xã Tiên Long là nơi có nhiều diện tích sầu riêng bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt. Bởi đây là khu vực cồn, nằm giữa sông Hàm Luông, không có nước ngọt hoặc xà lan chở nước không đến được các hộ nằm sâu bên trong cồn.
Theo ông Phạm Thanh Thảo, Trưởng ấp Tiên Lợi, ấp có khoảng 50 hộ trồng sầu riêng với diện tích khoảng 25 ha, sầu riêng từ vài năm đến gần 20 năm tuổi. Chưa năm nào nơi đây bị ảnh hưởng mặn nhiều như năm nay nên vẫn còn gia đình chủ quan trong khâu trữ nước ngọt.
Mặc dù, có sự chủ động trữ nước trong mương vườn sầu riêng nhưng do mặn kéo dài, nguồn nước tưới cạn kiệt nên 45 gốc sầu riêng của gia đình chị Lê Thị Kim Thùy đã một tháng không được tưới nước. Hôm nay, chị mới xin được nguồn nước từ giếng khoan của hàng xóm để tưới xung quanh gốc sầu riêng vì gia đình không đủ điều kiện để mua nước ngọt tưới.
Còn vườn sầu riêng 8.000 m2 của ông Nguyễn Văn Hơn đã hai tháng nay chưa được tưới nước, nhiều cây đã xuất hiện dấu hiệu rụng lá trên ngọt chỉ còn trơ cành. Nhìn vườn sầu riêng gần 20 năm tuổi đang cho quả, ông Hơn xót xa cho biết đã cắt bỏ bớt quả, để dưỡng sức cho cây nhưng cây vẫn ra quả, thiếu nước quả tự rụng. “Có lẽ năm nay coi như mất trắng, không thu hoạch được quả nào”, ông Hơn rầu rĩ.
Ông Hơn cũng cho biết, không dám mua nước ngọt tưới vì nếu tưới hết vườn sầu riêng 200 gốc đến khi bán quả thì tốn khoảng 200 triệu đồng. Một số tiền bỏ ra quá lớn nên ông chấp nhận không tưới nước mà chờ mưa xuống.
Giờ người dân ở ấp Tiên Lợi đang tìm mạch nước ngầm để khoan giếng lấy nước tưới cây. Tuy nhiên, người trồng sầu riêng cũng lo lắng vì nguồn nước giếng khoan tuy ngọt nhưng sợ có nguồn tạp chất khác sẽ ảnh hưởng cây.
Chị Huỳnh Thị Đặng, có gần 3.000 m2 trồng sầu riêng. Nguồn nước ngọt khoảng 20 m3 được gia đình trữ trong ao phủ bạt sắp hết. Chị Đặng dự tính sẽ mua nước ngọt từ các xà lan để tưới cho sầu riêng trong lúc chờ đợi tìm mạch nước ngọt để khoan giếng.
"Lúc chưa bị xâm nhập mặn, cây đang cho quả thì mỗi ngày đều phải tưới gốc, tưới quả; còn bây giờ không có nước ngọt thì chỉ tưới sương sương ít ít cho ướt đất. Bình thường tưới bằng hệ thống mô tơ nhưng giờ ít nước chỉ tưới bằng bình xịt, tưới tiết kiệm", chị Đặng cho biết.
Theo ông Đặng Từ Thức, cán bộ nông nghiệp xã Tiên Long, thời điểm này thiếu nước ngọt mới làm cây sầu riêng bị ảnh hưởng như vàng lá, rụng quả nhưng khoảng một tháng nữa sẽ thấy thiệt hại rõ rệt. Bởi hiện nay, có một số gia đình tiếc quả không dám cắt bỏ nên vẫn để quả trên cây. Nhưng lại không có đủ nguồn nước để tưới thì quả sẽ không phát triển, trong khi cây không đủ sức để nuôi quả, nuôi thân, nuôi lá nên dễ suy kiệt chết.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho hay, cây sầu riêng là loại cây rất mẫn cảm với nước mặn, chỉ chịu được độ mặn dưới 0.5‰. Trong khi đó, mọi nguồn nước ở huyện Châu Thành hiện nay đều bị nhiễm mặn trên 2‰, có nơi thậm chí trên 10‰. Vì vậy, trên địa bàn huyện có một số diện tích trồng sầu riêng ở xã Tiên Long và Phú Đức bị ảnh hưởng hạn mặn dẫn đến rụng lá, rụng quả.
Hiện nay, huyện chưa thống kê diện tích và tổng số hộ bị ảnh hưởng. Ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức các lớp tập huấn tại các xã để hướng dẫn người dân biện pháp, cách xử lý để cây sầu riêng vượt qua đợt hạn mặn này như: ủ gốc giữ ẩm, mua nước ngọt tưới cây, cắt bỏ quả và nhánh để dưỡng sức cho cây...
Tỉnh Bến Tre có trên 2.000 ha diện tích trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành và Chợ Lách.