Đây là lần đầu tiên loại trái cây đặc trưng của Việt Nam ra mắt người tiêu dùng Australia theo hình thức “road show” độc đáo và giàu ý tưởng.
Phát biểu tại buổi lễ phát động chiến dịch quảng bá thương hiệu sầu riêng Việt Nam tại Australia, ông Trịnh Đức Hải, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Australia cho biết Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác chiến lược từ năm 2018. Trong số các nhiệm vụ phát triển thuộc lĩnh vực kinh tế, ưu tiên quảng bá nông sản Việt Nam nói chung và trái cây Việt Nam nói riêng là một hành động cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam - Australia.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney, ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia - đơn vị tổ chức chiến dịch quảng bá, chia sẻ mặc dù Australia chưa cấp phép nhập khẩu sầu riêng tươi, nhưng quả sầu riêng đông lạnh từ lâu đã trở thành một sản phẩm được ưa chuộng tại đây. Tiêu dùng sầu riêng đông lạnh đang ngày càng phổ biến. Trong khi các nhãn hàng sầu riêng đông lạnh của Thái Lan và Malaysia gây dựng thành công thương hiệu độc lập ở thị trường khó tính này, thì thương hiệu sầu riêng Việt Nam vẫn còn vắng bóng.
Ông Hòa nhận định sầu riêng Việt Nam, nếu khai thác được giá trị bản địa và chú trọng mẫu mã cùng với chiến lược xây dựng thương hiệu thống nhất, sẽ hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế khác. Vì vậy, sau khi khảo sát và tìm hiểu thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Australia, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Australia, quyết định xây dựng chương trình quảng bá và phát triển thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam tại Australia.
Cũng theo ông Hòa, tính đến thời điểm hiện nay, Thương vụ đã kết nối và đưa thành công hai lô hàng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Australia. Cả hai lô hàng này, tuy mới chỉ là bước tham khảo thị trường ban đầu, đã tạo được ấn tượng tốt và được kiều bào Việt Nam, cũng như người dân Australia chào đón nồng nhiệt.
Theo Trưởng cơ quan Thương vụ tại Australia, trong vài năm gần đây, năng lực sản xuất sầu riêng của Việt Nam tăng nhanh, với hơn 47.000 ha canh tác. Hơn nữa, công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm sầu riêng đông lạnh cũng đã phát triển. Vì vậy, việc giải bài toàn đầu ra với chiến lược xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam là hết sức cần thiết đối với cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.
Không giống như các mặt hàng hoa quả đông lạnh khác, sầu riêng cấp đông sử dụng công nghệ cao để làm lạnh tới -40 độ C, nên vẫn đảm bảo tính tươi ngon đặc trưng. Tại thị trường Australia, giá bán của sầu riêng đông lạnh hiện vào khoảng 15 AUD/kg (tương đương 10,2 USD/kg). Đây là giá bán hoàn toàn “có lãi” đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam, vốn có giá thu mua tại vườn vào khoảng 29.000 VND/kg (1,25 USD/kg). Hơn nữa, so với các loại sầu riêng khác có cùng chất lượng của Thái Lan và Malaysia, giá sầu riêng Việt Nam hết sức cạnh tranh, nguồn cung lại dồi dào.
Trong chương trình “road show” lần này, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam như Happy Durian, Đồng Lợi, Greenpath đã tham gia đồng hành với mong muốn thúc đẩy thương hiệu sầu riêng Việt Nam tại Australia. Trong đó, Happy Durian là nhà xuất khẩu sầu riêng đông lạnh gần đây nhất, với chất lượng và mẫu mã được người tiêu dùng Australia đánh giá cao.
Bà Nguyễn Như Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu sầu riêng Như Thủy Tiên, cho biết, giai đoạn 2017 - 2018, giá bán sầu riêng tăng ồ ạt do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc cao. Tuy nhiên, sang tới năm 2019, thị trường truyền thống này đã siết chặt quy định và yêu cầu nhập khẩu trái cây, gây khó khăn cho sầu riêng Việt Nam. Trong khi đó, diện tích trồng sầu riêng trong nước vẫn tiếp tục mở rộng, sản lượng thu hoạch lớn, dẫn tới nhu cầu mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trong nước đều đang hướng tới việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho trái sầu riêng.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Như Thủy Tiên, Australia là một thị trường rất khó tính, nhưng uy tín cao. "Một khi đã xây dựng được thương hiệu tại thị trường Australia, doanh nghiệp sẽ có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm và tự tin để mang sầu riêng Việt Nam chào hàng ra khắp thế giới”, bà Thủy Tiên nói.
Trong giai đoạn sắp tới, công ty Như Thủy Tiên, cũng như các nhà xuất nhập khẩu trái cây khác của Việt Nam, sẽ thúc đẩy hơn nữa công tác tìm kiếm bạn hàng, sớm đưa các lô sầu riêng đông lạnh khác cập bến Australia.
Về phía Thương vụ, ông Nguyễn Phú Hòa khẳng định mong muốn xây dựng một thương hiệu sầu riêng mạnh, độc lập và dễ nhận diện của Việt Nam tại Australia. Ông kêu gọi xây dựng mạng lưới liên kết kiều bào với các nhà sản xuất có tâm huyết trong nước cùng nhập sầu riêng số lượng lớn từ Việt Nam để giảm chi phí, đồng thời thống nhất các tiêu chí chung về xây dựng mẫu mã thương hiệu, giúp nhận diện, tôn vinh giá trị sầu riêng Việt Nam dưạ trên các giá trị bản địa đặc sắc.
Hiện Thương vụ Việt Nam tại Australia đã biên soạn một cuốn sổ tay liên quan đến vấn đề cạnh tranh sầu riêng tại Australia để phổ biến cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán và Lãnh sự quán Việt Nam tại Australia mở rộng hơn nữa các hoạt động kết nối doanh nghiệp, xây dựng chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm Việt Nam tới doanh nghiệp và người dân Australia.