Mới có 21% doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Sáng nay (19/10), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Facebook tổ chức diễn đàn “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu” tại Hà Nội.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, hiện nay, thế giới đã bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng Việt Nam còn chậm hơn các nước khác. “Việt Nam còn đang đứng trước ngã tư chuỗi giá trị toàn cầu, chưa biết đi đến đâu. Trong bối cảnh công nghệ số, trong khi thế giới đã nhắc đến chuỗi giá trị toàn cầu cách đây hàng chục năm, còn chúng ta mới nhắc đến. Chúng ta cần tư duy hơn nữa, xem thế giới xung quanh chúng ta đã thay đổi như thế nào để thay đổi”, bà Hằng cho hay.

Các khách mời tại hội thảo.

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV – VCCI) cho biết, tình hình đăng ký doanh nghiệp từ năm 2013 - 2017 đều tăng qua các năm và tổng số vốn đăng ký cũng tăng, đây là điều đáng mừng. Cùng với đó, tỷ lệ báo lãi năm 2016 tăng và báo lỗ giảm dần. Trong 9 tháng đầu năm, đầu tư FDI đạt 25 tỷ USD, tăng 35% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

“DNNVV Việt Nam thường sử dụng máy móc công nghệ lạc hậu, vì vậy tham gia chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp DN có cơ hội đổi mới máy móc, công nghệ để sản xuất các sản phẩm đáp ứng chất lượng thị trường mà họ hướng tới”, bà Tâm cho hay.

Nhưng bên cạnh đó, còn rất nhiều khó khăn đối với DNNVV khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Theo khảo sát của VCCI, DNNVV khó khăn tiếp cận khách hàng, nguồn vốn, nhân sự thích hợp và khó khăn trong thủ tục hàng chính.

“Thiếu liên kết giữa các DN, quá trình sản xuất của các DN ở Việt Nam ít gắn kết vào chuỗi giá trị, hợp tác kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở khâu tiếp thị bán hàng và sản xuất hàng hóa dịch vụ, khâu phát triển sản phẩm mới ít có sự hợp tác nhất. Chỉ có 21% DNNVV Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, điều này khiến DN Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất”, bà Tâm nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, bước đầu các DN Việt Nam cần tham gia marketing online, xây dựng nền tảng thương mại điện tử.

Ông Phan Anh, chuyên gia về Marketing online cho rằng, các DN hoặc hộ kinh doanh cá nhân nên tham gia marketing online tại Việt Nam. Theo thống kê của Facebook năm 2016, Việt Nam có 50 người là triệu phú đô la trẻ tuổi ở Việt Nam, năm nay lên hàng trăm. Mô hình kinh doanh trực tuyến đang là xu hướng.

Ông Phan Anh chia sẻ, bản thân công ty của ông, 50% nguồn khách hàng đến từ online, công ty của ông đã phát triển nền tảng web chất lượng, thu hút quảng cáo trên facebook để thu hút khách hàng và đã đạt được hiệu quả cao.

Về góc độ quản lý, bà Lê Hà, Cục thương mại điện tử và kinh tế số của Bộ Công Thương cho biết, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì thương mại điện tử là hình thức kinh doanh không thể thiếu. Hiện thương mại điện tử tăng trưởng ổn định, định huớng năm 2020 tăng gấp đôi so với hiện tại khoảng 10 tỷ USD.

Bà Hà cũng cho biết, Bộ Công Thương đã có chính sách cụ thể phát triển thương mại điện tử, giúp DN tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, DN hay cá nhân cần có những kiến thức nói chung về mạng xã hội, công nghệ số... Hiện Bộ Công thương đang triển khai chương trình Online Friday, sẽ hỗ trợ DNNVV tham gia sàn Online Friday, hỗ trợ thủ tục đăng ký, hồ sơ khuyến mại cho DN tham gia trực tiếp...

Ông Lê Văn Khương Trưởng Phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các DN kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ đang phát triển nhanh, có tác động lớn đến hành vi tiêu dùng của người mua và bán trong giao dịch. Dẫn đến yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi phương thức hỗ trợ, Bộ KHĐT cũng có chính sách hỗ trợ DN phát triển khởi nghiệp sáng tạo.

Với DNNVV của Việt Nam có quy mô nhỏ, 60 - 70% quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm số lượng lớn, để DN thay đổi phương thức kinh doanh, cụ thể là kinh doanh trực tuyến, Bộ Kế hoạch Đầu Tư cũng có hỗ trợ đối với DN khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng công nghệ.

Cùng với đó, DN cần chủ động tìm kiếm các thông tin, thị trường và xây dựng các kế hoạch phát triển DN dài hạn, đáp ứng được yêu cầu và tận dụng cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do đem lại. Doanh nghiệp cũng cần có sự liên kết với nhau, giữa DN cùng ngành nghề, vận dụng công nghệ thông tin, tham gia giao dịch qua mạng. Đặc biệt, DN cần có chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư vào khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trung Hiếu/Báo Tin Tức
Xuất khẩu trực tuyến thời đại công nghiệp 4.0 còn quá khiêm tốn
Xuất khẩu trực tuyến thời đại công nghiệp 4.0 còn quá khiêm tốn

Theo các chuyên gia kinh tế, tính đến hết tháng 9/2017, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 154 tỷ USD. Tuy nhiên, ước tính mới chỉ có 1% doanh nghiệp xuất khẩu biết khai thác các nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu để xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN