Từ đó, giúp chị em có nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng trên chính quê hương của mình.
Cách đây gần 10 năm, chị Lưu Thị Hoàng Yến (sinh năm 1981) ở ấp Tân Hòa Trong, xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) học được nghề may quần áo. Vậy là, chị Yến cùng chồng quyết tâm theo đuổi nghề may quần áo gia công từ những đồng vốn do vợ chồng anh tích góp được.
Là người kỹ tính, có trách nhiệm nên công việc ngày càng hiệu quả, vợ chồng chị Yến có ý định mở rộng quy mô, mua thêm máy may để có thể "chạy" việc, đáp ứng nhu cầu từ đối tác nhưng cái khó nhất với chị bấy giờ là nguồn vốn.
May mắn, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phú Tây giới thiệu nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc với số tiền 50 triệu đồng. Ngày giải ngân nguồn vốn, mừng như "nắng hạn gặp mưa rào", chị đã sắm liền máy may, tuyển thêm lao động.
Chị Yến kể, với nguồn vốn vay 50 triệu đồng, hàng tháng, chị trả tiền lãi, tiền vốn và gửi tiền tiết kiệm chưa đến 2 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản vay ngân hàng và các chi phí khác, hàng tháng, gia đình chị cũng có thu nhập kha khá.
Sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và làm ăn có hiệu quả, sau khi đáo hạn, đầu năm 2024, chị được tạo điều kiện được tiếp tục vay vốn, với số tiền 90 triệu đồng để đầu tư mua thêm máy may, các trang thiết bị khác, mở rộng sản xuất.
Chị Yến phấn khởi nói, nhờ có nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội "tiếp sức", gia đình chị mới được như ngày hôm nay. Đặc biệt càng vui hơn khi bản thân giúp các chị em phụ nữ xung quanh có công việc ổn định, vừa có thu nhập vừa chăm sóc gia đình.
Hiện, cơ sở sản xuất của chị Hoàng Yến có trên 10 máy may, máy đính bo điện tử… tạo việc làm tại chỗ cho 15 lao động. Bình quân thu nhập của người may từ 4,5-6 triệu đồng/tháng (tùy đơn hàng do đối tác chỉ định).
Đến thăm cơ sở may gia công Mộng Tuyền của chị Lê Thị Mộng Tuyền (sinh năm 1984), ở ấp Hưng Hòa Đông, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động hăng say của gần chục chị em là lao động tại địa phương.
Chị Tuyền cho biết, sau khi đổ vỡ hôn nhân, "một nách hai con" chị trở về quê hương, thu nhập khó khăn khiến chị luôn trăn trở, suy nghĩ phải tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình.
Với tay nghề may có thâm niên hơn 10 năm, năm 2022, chị Tuyền tìm hiểu và mạnh dạn tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội (70 triệu đồng) để mở cơ sở may gia công tại nhà.
Nhờ vốn vay ưu đãi, chị Tuyền đã đầu tư đồng bộ các dàn máy may chuyên dụng để gia công các mặt hàng thời trang cho các công ty may mặc ở Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút nhiều lao động nữ nhàn rỗi tại địa phương đến làm việc, với mức lương từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa, tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả to lớn, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống an ninh chính trị, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng phi chính thức.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre cho biết, xác định tín dụng chính sách xã hội là bệ đỡ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh cũng đã quan tâm hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực làm chủ kinh tế của phụ nữ gắn kết thực hiện với chương trình, đề án, từ công tác hỗ trợ tập huấn, dạy nghề, truyền nghề, phát triển kinh tế tập thể, xây dựng mô hình sinh kế, đến công tác theo dõi động viên, phân công giúp đỡ.
Theo đó, trong 10 năm phát động phong trào "giúp nhau phát triển kinh tế gia đình" các cấp hội đã vận động 139.560 chị khá giúp 93.274 chị nghèo với số tiền trên 138 tỷ đồng; phối hợp phát động Ngày gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo đạt 147,5%; phối hợp tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho 23.680 chị; giới thiệu việc làm 98.815 chị, tư vấn, giới thiệu gần 4.000 lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Cùng với đó, mở 136 lớp tập huấn - tọa đàm nâng cao chất lượng tín dụng cho vay qua tổ, nhóm, lớp giáo dục tài chính, quản lý chi tiêu, xây dựng kế hoạch kinh doanh; đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 103 nghìn lượt hội viên, phụ nữ nhằm giúp chị em biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong thời gian tới, phụ nữ Bến Tre sẽ tập trung tổ chức lồng ghép các hoạt động, phong trào của Hội gắn với hoạt động hỗ trợ vay vốn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề tạo việc làm... nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát triển kinh tế của chị em phụ nữ nghèo.
Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục những yếu kém trong hoạt động ủy thác, nhất là công tác thu hồi nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; tham gia giám sát và chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn giao dịch với Ngân hàng chính sách xã hội tại các điểm giao dịch lưu động theo đúng thời gian và địa điểm quy định; thường xuyên rà soát, củng cố nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý...
Theo thống kê, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, đến nay, dư nợ ủy thác của Hội Liên hiệp Phụ nữ là hơn 1.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,94% trong tổng dư nợ của Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre ủy thác qua các tổ chức, đoàn thể.
Hiện, các cấp hội phụ nữ Bến Tre có 1.158 tổ tiết kiệm và vay vốn còn dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,12% (thấp nhất). Tỷ lệ, hộ vay tham gia gửi tiết kiệm đạt trên 98%.