Lúa Đông Xuân ở Cà Mau trúng mùa, được giá

Thời điểm hiện nay, nông dân Cà Mau đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân năm 2022 - 2023. Vụ lúa năm nay, nông dân trồng lúa địa phương rất phấn khởi khi vừa được mùa, vừa được giá.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa tại huyện Trần Văn Thời (ảnh tư liệu).

Bước vào vụ lúa Đông Xuân, tỉnh Cà Mau xuống giống gần 36.000 ha; trong đó, huyện Trần Văn Thời tập trung nhiều nhất với gần 29.000 ha. Đến thời điểm này, năng suất lúa bình quân đạt từ 5,5 - 5,8 tấn/ha, đặc biệt có nhiều diện tích lúa cho năng suất trên 6 tấn/ha.

Theo nhiều nông dân tại huyên Trần Văn Thời, ngay từ đầu vụ, mặc dù bị ảnh hưởng mưa lớn kéo dài đầu vụ gây khó khăn trong việc xuống giống, tốn kém nhiều chi phí cho sản xuất… Thế nhưng, từ thời điểm nông dân xuống giống đến lúc thu hoạch, các loại sâu bệnh ít gây hại nên năng suất lúa đạt khá cao. Không chỉ được mùa, năm nay giá lúa được các thương lái thu mua tại ruộng cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trung bình khoảng 1.000 đồng/kg.

Bà Phan Thị Mai, ngụ ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời cho biết, gia đình vừa thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân. Với diện tích hơn 1 ha, gia đình bà Mai thu được gần 7 tấn lúa. So với cùng kỳ, vụ mùa này năng suất cao hơn khoảng 500 kg. Đặc biệt, giá lúa năm nay cao hơn đến hơn 1.200 đồng/kg so với vụ lúa năm trước nên cho lợi nhuận cao hơn.

Chung niềm vui như gia đình bà Mai, ông Trần Văn Triều, ngụ xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời chia sẻ, gia đình ông canh tác 0,7 ha vụ lúa Đông Xuân. Vụ mùa năm nay gia đình ông xuống giống giống Lộc trời 28. Nhờ đó, năng suất lúa đạt cao, cho sản lượng khoảng 5,6 tấn.

"Ngay từ đầu vụ, địa phương đã triển khai phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc cho nông dân thực hiện các loại giống lúa năng suất, chất lượng cao. Do đó, gia đình đã mạnh dạn áp dụng sản xuất giống lúa Lộc trời 28 và đang mang lại hiệu quả", ông Trần Văn Triều cho biết.

Ghi nhận tại huyện U Minh, địa phương có diện tích lúa Đông Xuân lớn thứ hai của tỉnh Cà Mau, nông dân tại đây cũng chung niềm vui được mùa, trúng giá. Ông Bùi Văn Khiết, ngụ xã Khánh Lâm, huyện U Minh chia sẻ, năng suất trung bình đạt từ 700 - 800 kg/0,1 ha.

Bên cạnh đó, giá lúa cao khiến cho nông dân rất phấn khởi. Hiện, giá lúa ST24, ST25 và Lộc trời 28 có giá trên 7.000 đồng/kg; còn lại các loại giống lúa khác, như: Ðài thơm 8, OM5451, OM18… đều có giá trên 6.300 đồng/kg. Với giá lúa hiện tại, sau khi trừ chi phí, người dân có thể còn lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha.

Thực tế, tình hình sản xuất cơ bản gặp thuận lợi và Cà Mau đang dần bước vào cao điểm của những tháng mùa khô. Tuy nhiên, thời tiết vẫn diễn biến bất thường, một số cơn mưa trái mùa xuất hiện làm nhiều diện tích lúa Đông Xuân bị ngã, đổ.

Tình trạng mưa trái mùa khiến cho việc thu hoạch lúa của nông dân gặp nhiều khó khăn. Để hạn chế thiệt hại, nông dân phải tranh thủ thu hoạch lúa cả vào ban đêm để đảm bảo năng suất, chất lượng cho hạt lúa khi bán ra thị trường được giá cao.

Theo chia sẻ của nông dân trồng lúa địa phương, khắc phục những khó khăn để vụ mùa năm nay thắng lợi là do đa số nông dân đều đã chuyển đổi sang trồng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Sự thay đổi này có vai trò của cơ quan chức năng địa phương rất lớn.

Bởi trong thời gian qua, không chỉ ngành chuyên môn mà tại các địa phương đã tích cực khuyến khích nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao, đồng thời mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật để người dân canh tác hiệu quả hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng như hiện nay.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Trần Hồng Ửng cho biết, đến thời điểm này nông dân địa phương đã thu hoạch ước đạt khoảng 65% diện tích, năng suất bình quân ước đạt khoảng 5,5 tấn/ha.

“Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch tập huấn cho nông dân, đồng thời xây dựng lịch thời vụ phù hợp để hướng dẫn để bà con tiếp tục canh tác lúa hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”, bà Trần Hồng Ửng nhấn mạnh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cà Mau, tổng diện tích gieo trồng lúa năm 2022 của tỉnh là 110.975 ha, tăng trên 10% so với cùng kỳ. Trên địa bàn tỉnh có 26 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo (11 công ty, 18 hợp tác xã/tổ hợp tác) với diện tích 6.687 ha trong đó lúa hữu cơ 802 ha (tiêu chuẩn Việt Nam 306,5 ha và quốc tế (NOP, EU và JAS) 495,5 ha); lúa an toàn và VietGAP 5.885 ha; sản lượng tiêu thụ khoảng 29.025 tấn, bằng 5,3% sản lượng toàn tỉnh.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, ngày càng có nhiều hợp tác xã đầu tư chuỗi liên kết khép kín từ khâu tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu, bao tiêu thu mua lúa, sơ chế, xây dựng nhãn hiệu lúa gạo riêng, như: Hợp tác xã Minh Tâm với nhãn hiêu “Gạo Toàn Tâm”, Hợp tác xã Phương Quang với nhãn hiêu “Gạo Phương Quang”, Hợp tác xã lúa tôm Trí Lực với nhãn hiêu “Gạo Hoàng Yến”, Hợp tác xã Ðoàn Phát với nhãn hiệu “Gạo Từ Tâm”...

Ðây là cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong thời gian tới, đưa nông sản Cà Mau gia tăng giá trị sản phẩm, cạnh tranh thị trường…, qua đó giúp đời sống nông dân ngày càng phát triển, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Huỳnh Anh (TTXVN)
Hơn 4.500 ha lúa Đông Xuân của Thừa Thiên - Huế bị ngập úng do mưa lớn
Hơn 4.500 ha lúa Đông Xuân của Thừa Thiên - Huế bị ngập úng do mưa lớn

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa lớn, gây ngập úng hơn 4.500 ha lúa Đông Xuân. Việc tiêu úng cứu lúa đang được các địa phương của tỉnh tích cực triển khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN