Đến thời điểm này, các huyện, thành phố trong tỉnh đã gieo sạ hơn 225.100 ha, đạt hơn 80% kế hoạch, diện tích còn lại gieo sạ dứt điểm trong tháng 12/2022.
Để sản xuất vụ lúa Đông Xuân an toàn và hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh cùng với các địa phương tăng cường khuyến nông, tập huấn chuyển giao các quy trình canh tác lúa tiên tiến cho nông dân như: “3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm”, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng giống chất lượng cao gieo trồng…
Cùng đó, tổ chức sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa; đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh…, nhất là chú trọng trong hệ thống các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa.
Tiếp đến, ngành chức năng thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống khô hạn, thiếu nước, đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên địa bàn, nhất là ở những vùng sản xuất trọng điểm và thường xuyên theo dõi, thông tin tình hình xâm nhập mặn cho nông dân để chủ động phòng tránh, ứng phó, kiểm tra nguồn nước trước khi bơm tưới cho lúa.
Ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương vận hành đóng, mở hệ thống cống thủy lợi tuyến đê biển Rạch Giá - Kiên Lương, An Biên - An Minh, tuyến đê bao Ô Môn - Xà No thuộc địa bàn 2 huyện Giồng Riềng, Gò Quao và các cống trên vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng điều tiết nguồn nước sản xuất.
Đặc biệt, ngành chức năng tỉnh phối hợp vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé và âu thuyền Xẻo Rô, đảm bảo an toàn nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân các huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, giảm đắp đập tạm ngăn mặn trong mùa khô.
Mặt khác, các ngành chức năng và địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng giống lúa, vật tư nông nghiệp, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ảnh hưởng xấu, gây bất lợi đến sản xuất vụ mùa của nông dân.
Cụ thể như kinh doanh lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sai nhãn, kém chất lượng, hàng giả; không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nâng giá trái pháp luật.
Tuy nhiên, khó khăn trong sản xuất vụ lúa Đông Xuân này là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xăng dầu vẫn còn ở mức cao dẫn đến chi phí đầu tư lớn, tăng giá thành sản xuất. Trong khi đó, giá lúa không tăng cao, tùy theo giống và chất lượng lúa, thương lái thu mua từ 6.400 - 6.800 đồng/kg hiện nay.
Năm 2023, tỉnh phấn đấu sản lượng lương thực thu hoạch từ 4,35 - 4,4 triệu tấn, tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao duy trì trên 90% tổng diện tích gieo trồng, sản xuất theo cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi gia tăng giá trị ít nhất 20% tổng diện tích gieo trồng và diện tích sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ 1.000 ha trở lên. Tỉnh có kế hoạch trồng lúa với tổng diện tích 700.000 ha, với cơ cấu mùa vụ gồm: Lúa Mùa, Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh sẽ đẩy mạnh sản xuất lúa an toàn, sản xuất hữu cơ và sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh, tăng diện tích đáp ứng sản xuất lúa hữu cơ, SRP (xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản) được ký hợp đồng tiêu thụ.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất lúa - tôm để nâng cao giá trị gia tăng 2 sản phẩm lúa và tôm, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành…