Theo dõi chặt tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa Đông Xuân ở miền Bắc

Lúa Đông Xuân miền Bắc đang trong giai đoạn phát triển và đây cũng là giai đoạn rất dễ bị sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất.

Chú thích ảnh
Nông dân các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc tập trung chăm sóc lúa Đông Xuân. Ảnh tư liệu: TTXVN

Để đảm bảo vụ Đông Xuân thắng lợi, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương không được chủ quan, lơ là, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến tình hình dịch hại, nhận định chính xác khả năng phát sinh, mức độ gây hại của đối tượng dịch hại. Đồng thời, hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ dịch hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng".

Nhìn chung, các đối tượng sinh vật hại chính trên lúa như sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng, bệnh bạc lá có mức độ hại cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Các đối tượng như rầy, sâu đục thân, chuột diện tích bị hại tương đương so với cùng kỳ năm trước. Một số đối tượng như bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, bệnh đốm sọc vi khuẩn có diện phân bố hẹp và mức độ hại thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Thời gian phát sinh của sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân có xu hướng muộn hơn so cùng kỳ năm trước.

Dự báo, từ tháng 5 đến cuối vụ Đông Xuân, khả năng xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài và nóng gắt tương đương cùng kỳ năm 2021. Trước tình hình thời tiết, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc nhận định, bệnh đạo ôn cổ bông sẽ có nguy cơ phát sinh gây hại từ cuối tháng 4, nhất là diện tích lúa giai đoạn trỗ - phơi màu trong điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại.

Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 2 vũ hóa từ giữa đến cuối tháng 4, sâu non gây hại từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Đây là lứa gây hại chính trong vụ trên các trà lúa Xuân chính vụ - muộn giai đoạn đòng trước trỗ, sâu gây hại nặng tại các tỉnh đồng bằng ven biển và trung du Bắc Bộ.

Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 rộ tập trung từ giữa đến cuối tháng 4 trên lúa xuân sớm - chính vụ giai đoạn trỗ - ngậm sữa và trên trà xuân muộn giai đoạn đòng - trước trỗ. Rầy lứa 3 phát sinh gây hại từ giữa đến cuối tháng 5, chủ yếu trên trà xuân muộn giai đoạn chắc xanh – đỏ đuôi, nhất là tại tỉnh đồng bằng ven biển.

Cục Bảo vệ thực vật khuyến nghị, đối với bệnh đạo ôn cổ bông, căn cứ vào tình hình thời tiết ở giai đoạn nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2022, các tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và thời gian trỗ của các trà lúa để chủ động chỉ đạo phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Đặc biệt, quan tâm đến những diện tích lúa trỗ cuối tháng 4, nhất là trên những giống nhiễm.

Về sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân, thời gian phát sinh muộn hơn so cùng thời kỳ năm trước, diễn biến thời tiết rất phức tạp nên từng tỉnh phải tổ chức điều tra, bám sát diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân để chọn thời gian thích hợp tổ chức chỉ đạo phòng trừ phù hợp và hiệu quả.

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, các địa phương cần bám sát đồng ruộng, tổ chức phòng trừ tốt rầy lứa 2 để giảm áp lực rầy lứa 3. Đồng thời, tiếp tục giám sát chặt chẽ virus lùn sọc đen để chủ động quản lý bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa ngay từ đầu vụ.

Tổng diện tích gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 các tỉnh phía Bắc hơn 717.200 ha. Trong số đó, trà xuân sớm hơn 34.800 ha (đang ở giai đoạn phát triển đòng - chuẩn bị trỗ); trà chính vụ hơn 241.100 ha (đang ở giai cuối đẻ nhánh - phân hóa đòng); trà xuân muộn hơn 441.100 ha (giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh).

Bích Hồng (TTXVN)
Hơn 2.000 ha lúa Đông Xuân bị sâu bệnh và chuột gây hại
Hơn 2.000 ha lúa Đông Xuân bị sâu bệnh và chuột gây hại

Những ngày qua, tại Quảng Bình, thời tiết đang chuyển mùa sang nắng nóng và có những diễn biến thất thường, dễ phát sinh các sâu bệnh gây hại cho cây trồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN