Linh hoạt chuyển hướng cho kinh tế tập thể

Những năm gần đây, nhờ sự linh hoạt, đổi mới cơ chế hoạt động, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm được chế biến từ sữa bò của HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo. Ảnh: baovinhphuc.com.vn

Thành lập được gần 2 năm, Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã chứng tỏ sự trưởng thành bằng sự nỗ lực nội tại. Bằng sự nhạy bén và sáng tạo, hợp tác xã đã đổi mới hình thức hoạt động, phương thức sản xuất kinh doanh, giúp cho doanh thu của hợp tác xã ngày một tăng trưởng. Mỗi ngày, hợp tác xã đã sản xuất và bán ra thị trường khoảng 300 lít sữa thành phẩm. Ngoài thu mua sữa, hợp tác xã còn tạo công ăn việc làm cho 7 lao động với mức lương 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Chia sẻ về những kết quả hiện tại, chị Lê Thị Trang, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo cho biết, khi mới thành lập, hợp tác xã tổ chức thu mua sữa và cung cấp sữa cho Công ty cổ phần sữa Đà Lạt và sau một thời gian, Công ty cổ phần sữa Đà Lạt không nhận thu mua sữa. Nhận thấy đầu ra không ổn định, hợp tác xã đã chủ động liên kết với người chăn nuôi bò sữa ở huyện Tam Đảo chuyển hướng sang chế biến các sản phẩm từ sữa bò nhằm giúp bà con nông dân chủ động về đầu ra. Theo đó, hợp tác xã đã mạnh dạn chuyển từ sữa tươi nguyên liệu sang tự sản xuất, chế biến sữa bò thành các sản phẩm sữa chua, sữa chua nếp cẩm, sữa chua uống, sữa thanh trùng, bánh sữa… 

Chị Lê Thị Trang cho biết thêm, đến nay, các sản phẩm mang thương hiệu bò sữa Tam Đảo tiêu thụ rộng khắp ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang, Hải Phòng… Tất cả các sản phẩm của hợp tác xã bò sữa Tam Đảo đều đủ điều kiện công bố sản phẩm và đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh cấp Giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong thu mua, bảo quản sữa tươi nguyên liệu và chế biến các sản phẩm từ sữa.

Cùng với Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc xã Kim Long, huyện Tam Dương đi vào hoạt động vào năm 2014 đã giải quyết cơ bản vấn đề tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn xã Kim Long và các xã lân cận của huyện Tam Đảo. 

Từng có thời điểm, người trồng rau ở xã Kim Long gặp khó khăn trong tiêu thụ rau, củ do mất giá, phụ thuộc vào thương lái. Tìm hiểu được nguyên nhân, Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc đã vận động người nông dân tham gia vào hợp xã và thay đổi thói quen canh tác cũ sang hướng theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều này giúp người nông dân tiếp cận với các kỹ thuật mới trong trồng, chăm sóc rau. 

Chị Kiều Thị Huệ, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc chia sẻ, từ khi tham gia vào hợp tác xã để sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, người nông dân đã không còn phải tiếp xúc với những loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, hoá chất như trước kia.

Bên cạnh đó, các thành viên hợp tác xã được hỗ trợ phân bón vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ sản phẩm khi làm ra đều được hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá thành cao hơn giá thị trường từ 1000 - 1.500 đồng/kg.

Chị Kiều Thị Huệ chia sẻ, điều mà người tiêu dùng cần là sản phẩm sạch, có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hiện, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã có đầy đủ tem nhãn, bao bì đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng rau sạch ở Vĩnh Phúc và Hà Nội, được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ tháng 6/2017, Hợp tác xã rau an toàn Vĩnh Phúc đã liên kết với Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco để đưa các sản phẩm của xã viên vào hệ thống siêu thị Vinmart. 

Để khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác xã đổi mới, phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh cơ chế, chính sách đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực quản lý gắn với đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh cho các hợp tác xã. Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng về làm việc tại 5 hợp tác xã nhằm nâng cao nguồn nhân lực cho các hợp tác xã.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ 100% chi phí tổ chức thực hiện áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ các hợp tác xã xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường .

Cùng với đó, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí cho các hợp tác xã đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh; xây dựng, tạo mối liên doanh, liên kết giữa hợp tác với doanh nghiệp; đồng thời, xây dựng chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, nước… tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế hợp tác xã.

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hơn 600 hợp tác xã, với hơn 230 nghìn thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, điện; kinh doanh tổng hợp… Các hợp tác xã đã đảm bảo được mức thu nhập ổn định cho thành viên từ 4 – 6 triệu đồng/người tháng.

Nguyễn Thị Thảo (TTXVN)
Xí nghiệp mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ - tiên phong trong mô hình Hợp tác xã kiểu mới
Xí nghiệp mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ - tiên phong trong mô hình Hợp tác xã kiểu mới

Xí nghiệp mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ là đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực kinh tế Hợp tác xã theo sự hướng dẫn và quản lý trực tiếp của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam và huyện Núi Thành. Với tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm của Ban lãnh đạo và người lao động đã đưa Hợp tác xã Âu Cơ trở thành đơn vị đi đầu của tỉnh Quảng Nam trong lĩnh vực khai thác chế biến nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN