Đó là những nội dung được trình bày tại hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) vào ngày 13/9.
Hội thảo có sự tham gia của gần 150 đại biểu với hơn 90 bài tham luận của nhà nghiên cứu, nhà khoa học, lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng và cả nước là cái nhìn tổng quan về thực trạng phát triển kinh tế biển nước ta nói chung và khu vực duyên hải miền Trung và phía Nam nói riêng.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, với hơn 2.500 km bờ biển cùng hàng nghìn đảo lớn nhỏ và nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu…. Đây là lợi thế để các địa phương phát triển mạnh kinh tế biển tổng hợp với các ngành chủ lực như: du lịch, công nghiệp đóng tàu, dịch vụ hàng hải, khai thác và chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Vũ Văn Hà cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09- NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện.
Riêng các địa phương trong khu vực duyên hải miền Trung và phía Nam đã tận dụng tiềm năng, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế biển hướng tới bền vững. Từ đó, gắn phát triển kinh tế biển, đảo với bảo đảm quốc phòng, an ninh và đã đạt được những kết quả đáng kể.
Điển hình như nhờ những định hướng hỗ trợ ngư dân và ngư nghiệp mà đến nay thành phố Đà Nẵng đã có nghề cá hồi sinh sau cơn bão Chanchu năm 2006. Ngư dân Đà Nẵng tiếp tục vươn khơi bám biển trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Hay, tỉnh Bình Thuận đã có những bước phát triển mạnh về du lịch, nhất là du lịch biển với 390 dự án đầu tư với số vốn gần 60.000 tỷ đồng...
Các đại biểu cũng cho rằng, trước bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trở thành xu thế phát triển chủ đạo của nhiều quốc gia. Theo PGS.TS, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Vũ Văn Hà, hiện nay trong quá trình phát triển, các địa phương có biển ở duyên hải miền Trung và phía Nam cũng đang đối diện với nhiều thách thức và đang bộc lộ không ít hạn chế như: quy mô, tốc độ, chất lượng phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa chuyên nghiệp; cơ chế chính sách phát triển kinh tế thủy sản còn bất cập chưa thu hút được các nhà đầu tư phát triển hạ tầng vùng biển. Việc phát triển sinh thái vùng biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường…
Để khai thác hiệu quả các cơ hội mà biển đem lại và thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) đã ban hành về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hội thảo cũng đã đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm, chiến lược.
GS.TS Đoàn Thị Hồng Vân, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, để tập hợp sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế biển bền vững thì các cấp, các ngành, các địa phương ven biển cần tuyên truyền sâu rộng bằng mọi hình thức để mọi người dân điều hiểu biển có vai trò quan trọng đối với Tổ quốc. Thêm vào đó, tăng cường liên kết để phát triển kinh tế biển bền vững. Không chỉ giới hạn liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương mà còn liên kết từ trong nhận thức, chủ trương, chính sách cho đến người dân.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, phát triển kinh tế biển nói chung và khai thác du lịch biển nói riêng phải gắn kết hài hòa với bảo vệ môi trường biển, môi trường tự nhiên và giảm thiểu các tác động đến các hệ sinh thái biển…
Các đại biểu còn đề xuất các giải pháp về phát triển kinh tế gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Tổ quốc; thu hút đầu tư hạ tầng vùng biển, ven biển…