Hội thảo Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/3.
Chia sẻ thông tin về vùng biển đặc quyền kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hòa, Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn cho biết: Việt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền và có bờ biển dài 3.260 km. Vùng biển nước ta có vai trò, vị trí quan trọng, gắn bó mật thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội, có ảnh hưởng to lớn đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường của Việt Nam. Tiềm lực kinh tế biển của Việt Nam đã không ngừng phát triển và ngày càng có những đóng góp quan trọng vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chủ trương dựa vào biển và hướng ra biển sẽ quyết định khả năng hoàn thành mục tiêu từng bước đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển một cách khả thi và bền vững trong khoảng thời gian 10 năm chiến lược và 25 năm trong khuôn khổ tầm nhìn.
Trong khi đó, Tiến sỹ Lê Thanh Hòa, Trung tâm Nghiên cứu biển và đảo, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết: Không gian biển Việt Nam rất lớn, đa dạng tập trung vào 4 mảng chính, gồm: không gian vùng ven biển, không gian biển, không gian đảo và không gian đại dương gắn liền với hội nhập, hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển. Không gian biển rộng lớn, giàu tài nguyên của Việt Nam gắn với hệ thống khoảng 3.000 đảo lớn nhỏ cùng với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hệ thống đảo quy tụ các hệ sinh thái, rạn san hô với nguồn lợi lớn về hải sản, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế hải đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển hiện đại. Bên cạnh vai trò là cột mốc chủ quyền trên vùng biển của Tổ quốc, hệ thống khoảng 3.000 đảo đặc biệt quan trọng dối với sự phát triển nghề cá, nuôi hải sản và du lịch sinh thái biển.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hòa, tại Việt Nam, quản lý tổng hợp biển theo không gian và quy hoạch không gian biển là vấn đề khá mới mẻ đối với nhà quản lý, nhà khoa học. Quy hoạch không gian biển là một quá trình phân tích, phân bổ không gian và thời gian ở các vùng biển do cơ quan Nhà nước thực hiện cho các hoạt động của con người hoặc đơn vị để đạt mục tiêu kinh tế, xã hội và sinh thái gắn liền với biển. Các bộ, ngành Việt Nam đã đưa ra 40 chương trình hành động liên quan đến quy hoạch xây dựng tuyến đường ven biển, hình thành 15 khu kinh tế hướng biển, 16 khu bảo tồn sinh thái biển, phát triển nghề cá.
Một số hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như tác động của biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế biển. Thạc sỹ Ngô Tùng Lâm, giảng viên Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ: Hiện có 96% các rạn san hô trên khắp vùng biển nước ta đang hứng chịu nhiều tác động tiêu cực từ các hoạt động khai thác của con người, trong đó 75% các rạn san hô có mức độ rủi ro cao và rất cao bởi tình trạng khai thác sự hủy diệt, góp phần làm suy giảm nguồn lợi thủy sản tại các vùng biển. Hoạt động du lịch, trong đó có du lịch biển cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường như ô nhiễm dầu nước ven biển do các phương tiện tàu thuyền vận tải khách du lịch, phương tiện vui chơi thể thao nước.
Đề xuất giải pháp giảm tác động tiêu cực đến tài nguyên, môi trường biển, Tiến sỹ Lê Xuân Thuyên, Trường Đại học Sài Gòn cho biết: Cần đẩy mạnh quy hoạch, quản lý và phân vùng biển, đới bờ. Quy hoạch sử dụng biển cần tập trung đối tượng chung là tài nguyên và môi trường biển, chú trọng đến giá trị của các hệ sinh thái biển và sự hợp lý về nhu cầu khai thác, sử dụng biển của các ngành. Bên cạnh đó, cần thực hiện nhiều hành động nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng với các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm. Đồng thời, công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động du lịch, hàng hải, khai thác khoáng sản, đánh bắt thủy sản cần được chú trọng.
Theo các nhà nghiên cứu, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng cũng như đường bờ biển kéo dài tạo ra nhiều cơ hội phát triển ở các địa phương, tuy nhiên mỗi vùng, khu vực có những thuận lợi và chịu nhiều tác động khác nhau, vì vậy cần có những sự thay đổi riêng để thích nghi trong phát triển kinh tế biển.
Chia sẻ cụ thể về vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sỹ Phạm Gia Trân, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long trải dải trên 7 tỉnh là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Màu và Kiên Giang đang chịu tác động mạnh mẽ của các mối nguy như gia tăng xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất, xói mòn bờ biển, thiếu hụt nước ngọt. Các nguy cơ này dẫn đến sự suy giảm về nguồn lợi thủy sản, chất lượng hệ sinh thái và gây nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và cộng đồng dân cư địa phương.
Theo Tiến sỹ Phạm Gia Trân, đa dạng sinh kế là chiến lược thích ứng của các nông hộ ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã có những thay đổi và xu hướng chuyển đổi, đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp như chuyển đổi khi trồng lúa hiệu quả thấp sang các loại hình canh tác khác như nuôi trồng thủy sản, giảm diện tích nuôi tôm thâm canh để phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn. Để thực hiện chiến lược đa dạng sinh kế hiệu quả, cần thực hiện theo định hướng thị trường, liên kết chặt chẽ với quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần triển khai chính sách hướng dẫn, giúp đỡ cho các nông hộ xây dựng chiến lược đa dạng hóa sinh kế phù hợp, bền vững, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ để nông hộ chủ động trong việc lựa chọn chiến lược đa dạng hóa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.