Cần phá vỡ thế 'cục bộ địa phương' để phát triển kinh tế biển bền vững

Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế biển tại Việt Nam trong thời gian tới.

Để tìm hiểu rõ hơn về các mục tiêu của Chiến lược cũng như các giải pháp để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Giảng viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành viên Ban chỉ đạo diễn đàn đại dương toàn cầu, Chủ tịch Hội bảo vệ môi trường biển. 

Chú thích ảnh
Ngư dân Phú Yên vận chuyển cá ngừ lên bờ. Ảnh : Thế Lập/TTXVN

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, cơ hội trong phát triển kinh tế biển của Việt Nam?

Nói một cách ngắn gọn, biển Việt Nam giàu và đẹp. Tôi đã đi đến 65 nước có biển đảo, tôi thấy Việt Nam có nhiều cơ hội để có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Cụ thể: Việt Nam có chính sách ngày càng hội nhập trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm đến phát triển kinh tế biển với việc ban hành nhiều Chiến lược và Nghị quyết liên quan.

Đặc biệt, Đảng và Nhà nước cũng nhận thức rằng vai trò của biển, tiềm năng của biển còn chưa được khai thác tương xứng nên cần phải khai thác một cách hiệu quả và bền vững. Tôi cho rằng đây là những cơ hội tốt để phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hiện nay.

Ngày 22/10/2018, thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông có thể khái quát về các mục tiêu cơ bản của Chiến lược này?

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu sớm phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Vì một quốc gia có biển, trong thế kỷ của biển và đại dương mà không hướng ra biển thì khó phát triển được. Chiến lược lần này cũng phân định rõ kinh tế thuần biển, kinh tế dựa vào biển chính là các tỉnh ven biển, các vùng nước lợ.

Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu kinh tế biển chiếm 58% GDP đến năm 2020. Tuy nhiên, trong Chiến lược biển lần này, Việt Nam phân biệt rõ, kinh tế thuần biển đạt 10% GDP đến năm 2030. Trong khi đó, kinh tế dựa vào biển (lần này được phân định rõ là các tỉnh ven biển và các thành phần kinh tế dựa vào biển thuộc các tỉnh ven biển), chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu đạt từ 65 - 70% GDP. Tôi cho rằng đây là mục tiêu hơi cao nhưng cũng cần phải phấn đấu.

Thứ ba, lần này chúng ta không nói biển nói chung mà lựa chọn lấy trục kinh tế biển là chính và chỉ rõ phát triển bền vững kinh tế biển. Nghĩa là trong phát triển kinh tế biển cần điều chỉnh mối quan hệ với các vấn đề môi trường, tài nguyên, văn hóa. Chúng ta lấy kinh tế xanh làm nền tảng để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Có những ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới của các địa phương có biển, đó là do chúng ta chưa tạo được chuỗi kết nối giữa các địa phương có biển và các địa phương không có biển, giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế, kết cấu hạ tầng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tôi cho rằng đây là nhận định đúng bởi vì trong thời gian vừa qua, một trong những cái yếu chính của các tỉnh miền Trung là liên kết vùng còn yếu. Các địa phương đã phát triển như một quốc gia riêng cho nên những thành tựu của tỉnh này không kịp thời tạo ra tác động lan tỏa để ảnh hưởng ra những tỉnh bên cạnh thông qua việc kết nối. Sự kết nối cần theo cả chiều dọc, nghĩa là giữa các tỉnh ven biển với các tỉnh trong đất liền. Chỉ số biển của Việt Nam cao hơn gấp 6 lần chỉ số trung bình về biển toàn cầu. 

Việt Nam có đường bờ biển dài, cứ khoảng 100 km2 diện tích đất liền có một 1 km chiều dài bờ biển. Như vậy, Việt Nam có lợi thế về kinh tế biển; trong đó có kinh tế hàng hải và kinh tế cảng. Tuy nhiên, các cảng hiện nay chỉ là cửa ngõ và chưa kết nối được nhiều. Chính vì vậy, khi phát triển cảng cần phải dự báo được cấu trúc mô hình phát triển của cảng là gì và cần phát triển cảng song song với phát triển đô thị và các dịch vụ biển.

Những thách thức toàn cầu, nhất là suy thoái và ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe biển và đại dương trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần thực hiện giải pháp gì để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển?

Thực ra biến đổi khí hậu rồi biến đổi đại dương là hiện hữu và Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về việc chịu tác động xấu. Những năm gần đây, vùng ven biển của các đồng bằng thấp cũng như vùng ven biển miền Trung do nền nhiệt thay đổi hay thời tiết cực đoan cũng như nước biển dâng đã gây ra các vụ hạn mặn lớn làm thay đổi bản chất môi trường tự nhiên của vùng. Chính vì vậy, Việt Nam cần có giải pháp thích ứng với sự biến đổi đó. Trong giải pháp ứng phó thì có nhóm giải pháp là giảm thiểu và thích ứng.

Nhóm giải pháp giảm thiểu đòi hỏi kinh phí lớn, còn nhóm giải pháp thích ứng chúng ta có thể thích ứng từ cấp cộng đồng lên đến cấp quốc gia. Chúng ta phải ưu tiên thích ứng, sử dụng nguyên lý môi trường nào sinh vật đấy, xem xét cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi và ngành nghề cho thích ứng với sự biến đổi của khí hậu.

Theo ông, đâu là những thách thức trong thực hiện các mục tiêu của Chiến lược kinh tế biển đến năm 2030? Và những dự báo của ông về khả năng thực hiện các mục tiêu này?

Tôi cho rằng chúng ta chuyển hướng phát triển kinh tế biển bền vững, và dựa vào nền tảng kinh tế xanh là không sai. Nó cũng là xu thế của thế giới và Việt Nam cũng đã chuẩn bị từ năm 2012. Định hướng không sai nhưng cũng không nên kỳ vọng quá vì để thực hiện được kinh tế xanh cần thời gian và đây là mục tiêu trong dài hạn.

Điều quan trọng nhất sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 ra đời là cần phải cụ thể hóa, phân công nhiệm vụ cụ thể, đánh giá dựa vào mục tiêu, giám sát được việc thực hiện, kịp thời điều chỉnh để hiệu quả mang lại là đích thực.

Xin cảm ơn ông!

Quốc Huy (TTXVN)
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Ngày 22/10/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW). TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN