Cho vay hỗ trợ thủy sản: để ngư dân vươn ra biển lớn
Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Có thể nói, đây là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ, được kỳ vọng là cú huých đối với ngành thủy sản nước ta trong quá trình “vươn ra biển lớn”. Với vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank được coi là ngân hàng trụ cột trong việc triển khai cho vay theo Nghị định 67, tích cực đưa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến với nông dân và ngư dân. Sau hơn 4 năm thực hiện, Agribank đã cho vay trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng số 679 tàu, trong đó 622 tàu đóng mới nâng cấp và 57 tàu vay vốn lưu động, tổng dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 5.465 tỷ đồng. Số tàu vay đóng mới, nâng cấp do Agribank tài trợ đã chiếm hơn 50% tổng số tàu của chương trình và gần 47% tổng dư nợ toàn ngành về cho vay đóng tàu theo Nghị định 67. Một số tỉnh có dư nợ lớn như: Bình Thuận, Quảng Nam, Hải Phòng, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 30 tàu đóng mới nâng cấp và dư nợ trên 300 tỷ đồng.
Agribank luôn xác định hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Từ kinh nghiệm liên tục bám sát địa bàn, tổng kết thực tiễn triển khai, Agribank đã kịp thời có nhiều giải pháp sát với tình hình, kịp thời tháo gỡ để nguồn vốn Nghị định 67 được khơi thông. Agribank kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép các khoản điều chỉnh kỳ hạn trả nợ được hỗ trợ lãi suất để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn giảm bớt khó khăn để tiếp tục thực hiện việc khai thác đánh bắt; đồng thời bổ sung nội dung về hỗ trợ lãi suất đối với cơ chế chuyển đổi chủ tàu, trong đó hướng dẫn các trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, Agribank đề nghị NHNN xem xét đề xuất với Chính phủ có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù hỗ trợ ngân hàng và các chủ tàu trường hợp các chủ tàu hoạt động không hiệu quả, không có nguồn thu trả nợ, ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ...Agribank cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền để các chủ tàu hiểu rõ chính sách ưu đãi của Nhà nước, thực hiện đúng cam kết với ngân hàng, đồng thời hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xử lý và thu hồi nợ đối với các trường hợp chủ tàu chây ỳ, không hợp tác trong việc trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm.
Những con thuyền lại giong buồm ra khơi. Khác với vẻ ồn ào, hoa mỹ của chốn thành thị, còn đó cuộc sống nghèo khổ vẫn đeo bám ngư dân, đôi khi phải đổi cả mạng sống của mình để ngày đêm bám biển mưu sinh và góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc. Những người con của biển với làn da ngăm đen vì nắng trời, muối mặn. Biết bao khó khăn, bao bất lợi thời tiết, bao sự cố môi trường từng ngày từng đêm đe dọa cuộc sống mưu sinh bám biển của họ. Sống đời lênh đênh sóng nước, niềm vui lớn nhất của ngư dân là khi tàu bình yên cập bến đầy tôm cá. Mong ước giản dị thế thôi nhưng đối với họ là cả một quá trình tranh đấu trên biển, chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết, đối phó những nguy hiểm rình rập họ hàng ngày. Thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của ngư dân, đồng thời thể hiện trách nhiệm của một Ngân hàng đóng vai trò chủ lực trong hệ thống Ngân hàng, Agribank luôn tiên phong, thực thi nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Nguồn vốn tín dụng của Agribank đã tạo điều kiện cho hàng ngàn ngư dân hiện thực hóa khát vọng vươn lên bám biển, thực hiện đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu có công suất, trọng tải lớn và trang bị ngư lưới cụ hiện đại, đủ sức đánh bắt ở các ngư trường rộng lớn như Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa…Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của CTCP Đóng tàu Kiên Giang do Agribank Kiên Giang đầu tư vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ là một ví dụ điển hình về sự phối hợp đầu tư thành công phát triển kinh tế giữa Chính quyền, Ngân hàng, và Ngư dân. Với những phương tiện tàu vỏ thép hiện đại, tàu có công suất 820CV, chiều dài 32 mét; chiều rộng 8 mét; cao 3 mét; vận tốc 11 hải lý/giờ; trọng tải 480 tấn, có thể chuyên chở 350 tấn hải sản từ các ngư trường xa về bờ tiêu thụ. Những chiếc tàu cá vỏ thép này đã nâng cao năng suất khai thác thủy, hải sản, góp phần phát triển kinh tế biển, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho bà con ngư dân theo chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, góp phần khẳng định và bảo vệ vùng lãnh hải của Việt Nam.
Agribank cùng ngư dân bám biển
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2018, mặc dù ngành thủy sản Việt Nam gặp nhiều bất lợi, do biến động thị trường thế giới và rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt trên 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2017. Tín hiệu vui mừng đánh dấu sự song hành thành công của Agribank với ngành chăn nuôi và thủy sản. Hỗ trợ ngư dân, cùng ngư dân vượt khó, cùng ngư dân hồi sinh, Agribank đang ngày đêm đồng hành cùng ngư dân, sát cánh cùng biển đảo trên khắp cả nước. Với hệ thống mạng lưới 2300 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc, Agribank hiện có mặt tại khắp các vùng miền của Tổ Quốc, kể cả vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo xa xôi. Hiện tại Agribank là Ngân hàng thương mại duy nhất có phòng giao dịch tại 9/12 huyện đảo cả nước, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.
Agribank chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá theo chuỗi khép kín từ nuôi trồng, khai thác, thu mua đến chế biến, xuất khẩu; góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo niềm tin cho ngư dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc. Gia đình anh Lê Văn Tiềm ở Quảng Ninh theo nghề đánh bắt cá hàng chục năm nay. Từ chiếc tàu nhỏ thu gói gần bờ, gia đình anh được tiếp cận vốn, dần dần được nâng cấp lên tàu to đi đánh bắt cá xa bờ. Cuộc sống gia đình anh từ đó được cải thiện nhiều hơn. Anh chỉa sẻ: "Được Nhà nước, Ngân hàng hỗ trợ đầu tư cho một số vốn, gia đình tôi đóng tàu to đi đánh bắt xa bờ, chủ yếu ngoài Bạch Long Vĩ, vùng giáp ranh Việt Nam –Trung Quốc. Một chuyến đi tàu của chúng tôi từ 10-15 ngày, thu về mấy chục tấn, tùy theo lượng khai thác. Cùng với chính quyền địa phương, ngoài việc chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân chúng tôi, Agribank trên địa bàn hướng đến việc khai thác đánh bắt thuỷ hải sản một cách bền vững. Agribank tạo mọi điều kiện, sẵn sàng giúp đỡ vốn cho bà con từ 50-70%. Bà con ngư dân chúng tôi đi biển mong muốn mùa màng thuận lợi, có con cá con mực, mong nâng cao thu nhập, cái thiện đời sống". Với sự "tiếp sức" bởi Agribank, những con tàu đánh cá ở khắp vùng biển của Việt Nam lại tiếp tục lên đường rẽ sóng ra khơi, gửi gắm ước vọng về những mẻ cá đầy và niềm vui phấn khởi, hạnh phúc sum vầy của bà con ngư dân.
Mỗi khi nói đến biển đảo, mỗi người dân Việt Nam chúng ta thường nhớ ngay đến Trường Sa, Hoàng Sa. Biết bao thế hệ, cha ông chúng ta đã anh dũng xả thân để bảo vệ chủ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hưởng ứng phong trào cả nước vì Trường Sa – Hoàng Sa, với tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cán bộ Agribank đã đồng hành cùng nhiều chương trình, nhiều hoạt động thiết thực hướng về biển đảo quê hương.
Ông Tiết Văn Thành - Thành viên Hội đồng thành viên , Tổng Giám đốc Agribank cho biết: “Thời gian qua, cán bộ nhân viên Agribank đã tích cực tham gia ủng hộ các chương trình "Cả nước vì Trường Sa", "Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa", "Ngân hàng Việt Nam với Trường Sa thân yêu", quỹ "Nghĩa tinh Hoàng Sa – Trường Sa", "Vì Trường Sa thân yêu"… với số tiền hàng chục tỷ đồng. Tham gia đoàn công tác tháng 4 năm 2018, Công đoàn Agribank đã trao tặng nhiều phần quà cho cán bộ chiến sỹ đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Vùng 4 Hải quân trị giá 800 triệu đồng. Đặc biệt, Agribank đã dành số tiền 37 tỷ đồng để xây dựng công trình Nhà văn hóa đa năng đảo Cô Lin”.
Nghĩa tình của Agribank được coi là "điểm tựa" hỗ trợ ngư dân tham gia đánh bắt khai thác hải sản tại Ngư trường Trường Sa và khu vực lân cận, đồng thời, là nơi sinh hoạt của các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm bảo về chủ quyền của Tổ Quốc. Món quà này thể hiện sự gửi gắm tình cảm, sự tri ân của tập thể cán bộ lãnh đạo, nhân viên Agribank đối với các chiến sỹ hải quân đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.