Vì vậy, nghề khai thác đánh bắt được ngành thủy sản xác định chuyển hướng để đảm bảo phát triển bền vững trong thời gian tới.
Trước hiện thực nguồn lợi hải sản ngày càng giảm, ngư dân khai thác, đánh bắt cũng gặp nhiều khó khăn không kém. Qua khảo sát những ngư dân đánh bắt xa bờ khu vực vùng biển Kiên Giang, Cà Mau, có thể thấy hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản không mang lại lợi nhuận cao như trước đây.
Ông Lê Thanh Tùng, ngư dân tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau chia sẻ, với kinh nghiệm 30 năm hành nghề khai thác hải sản, ông thường đưa tàu đánh bắt tại khu vực vùng biển Thổ Chu. Nghề khai thác tài nguyên hải sản mang lại kinh tế cao, có thể nuôi sống cả gia đình ông và giải quyết nhiều lao động tại khu vực này.
Trước đây, nhận thấy khai thác hải sản trên biển mang lại hiệu quả kinh tế, nên nhiều gia đình ven biển cũng đóng tàu để khai thác, đánh bắt. Có những gia đình có truyền thống đánh bắt từ 20 năm đến 30 năm vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng đội tàu khai thác, nhưng cũng có những gia đình tự chuyển đổi sang nghề khai thác, đánh bắt. Do đó, đội tàu ngày càng nhiều mà nguồn cá trên biển ngày càng ít, các đội tàu phải đi xa hơn và tìm thêm nhiều cách đánh bắt để tăng giá trị kinh tế. Riêng ông Tùng cũng phải tìm phương pháp khác để có thể “dụ” cá vào khu vực ông vây lưới. Có như vậy mới đảm bảo chi phí cho mỗi chuyến đi biển.
Cùng trường hợp với ông Tùng, ông Lê Văn Ngẫu (ngụ tại thị trấn Sông Đốc) cho biết, là thuyền trưởng có kinh nghiệm 20 năm, ông thường tham gia đánh bắt tại ngư trường Cà Mau và Kiên Giang, nhưng hiện nay, ngư trường này ngày càng ít cá nên chuyến đi biển nào cũng khiến ông lo lắng. Hiện tàu ông Ngẫu kéo cá cơm tại vùng biển Thổ Chu. Mỗi chuyến ra khơi kéo dài 45 ngày, mỗi chuyến ra khơi mất hết 150 triệu đồng chi phí hoạt động trên biển để khai thác cá. Thế nhưng, lợi nhuận đi biển hiện nay lại thấp hơn nhiều so với trước đây. Nếu thuyền trưởng không có kinh nghiệm sẽ dễ bị thua lỗ sau mỗi chuyến đi biển hiện nay.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tại ngư trường vùng biển Cà Mau không chỉ có đội tàu của tỉnh mà còn hàng nghìn tàu của các tỉnh từ miền Trung vào đánh bắt. Điều này giúp tăng sản lượng hải sản, hậu cần nghề cá nhưng do lượng tàu quá đông, dẫn đến nguồn lợi hải sản bị khai thác nhanh hơn khả năng sinh sản.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đánh giá, không chỉ tại Cà Mau, hầu như các vùng biển trên cả nước nguồn lợi hải sản đều giảm. Nguồn lợi không chỉ giảm tuyến bờ mà còn cả tuyến lộng và tuyến khơi.
Theo Tổng cục Thủy sản, tỉnh Kiên Giang có số lượng tàu đánh bắt lớn nhất cả nước, với nhiều tàu cá công suất lớn, chiều dài hơn 15 mét, đánh bắt xa với 5 nhóm nghề.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, ngoài số lượng tàu cá của Kiên Giang, còn có hơn 2.000 tàu cá từ các tỉnh khác đăng ký hoạt động tại ngư trường Kiên Giang. Số lượng tàu cá này thực sự quá lớn so với diện tích ngư trường Kiên Giang, Cà Mau, chỉ rộng hơn 63.000 km2.. Do đó, để bảo vệ nguồn lợi hải sản, UBND tỉnh Kiên Giang đã tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu đánh bắt xa bờ (có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên). Ngoài ra, các tàu cá cố tình vi phạm đánh bắt hải sản IUU (đánh bắt trái phép, không khai báo...), sẽ nhận mức hình phạt cao nhất là 1 tỷ đồng, rút giấy phép khai thác...
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cũng đưa ra giải pháp lâu dài và khả dĩ cho vấn đề này là giảm công suất tàu, giảm sản lượng khai thác, tăng diện tích nuôi biển áp dụng công nghệ cao. Vùng biển có tiềm năng phát triển nuôi thủy sản là Nam Du và Phú Quốc, Thổ Châu.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận xét, chính vì đội tàu lưới kéo của Kiên Giang quá lớn, (hiện chiếm 30% đội tàu lưới kéo cả nước), nên số lượng tàu vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài cũng chiếm tỉ lệ cao nhất cả nước.
Do đó, để có thể chuyển đổi từ nghề khai thác đánh bắt hải sản, hạn chế những vi phạm không nên có trong thời gian tới, các địa phương nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng, cần chuyển đổi sang mô hình nuôi biển công nghệ cao. Những mô hình này phải được nhân rộng để phát triển kinh tế biển bền vững. Có như vậy, nghề khai thác, đánh bắt hải sản Việt Nam mới hạn chế các hoạt động đánh bắt cá trái phép, đánh bắt không báo cáo và không được quản lý. Các hoạt động này không chỉ nhằm mục đích gỡ bỏ thẻ vàng châu Âu, mà mục tiêu lớn hơn chính là giữ gìn nguồn tài nguyên biển cho các thế hệ sau, ông Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh.