Dư địa lớn chờ khai thác
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, theo kế hoạch giai đoạn 2025 – 2030 Tây Ninh phấn đấu sẽ phát triển 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích từ 15.000 - 20.000 ha trồng các loại rau, quả, cây ăn trái theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh trên địa bàn các huyện; nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Theo ông Phan Văn Thà, nông dân sản xuất giỏi huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, để ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đi vào thực chất, thì cần có lộ trình nhằm thay đổi thói quen canh tác, trình độ tiếp cận khoa học kỹ thuật cho người nông dân. Trong đó, việc trang bị kiến thức cho người nông dân là hết sức quan trọng và người nông dân phải chủ động thay đổi tư duy, nhận thức và phương thức canh tác là điều cần thiết.
Ngoài ra, ông Phan Văn Thà đề nghị các sở, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ vốn, tìm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, kịp thời định hướng, cảnh báo rủi ro về thị trường, thường xuyên cập nhật công nghệ mới, nhu cầu sản phẩm thị trường cần và hạ tầng sản xuất cho người nông dân.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Xuân, hiện nay tỉnh Tây Ninh có 7 chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gồm: Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; Hỗ trợ phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm…
Trong đó, có 3 chính sách được người dân thụ hưởng khá nhiều và có tính lan tỏa ngày càng rộng, góp phần thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng công nghệ cao, hiện đại là: Hỗ trợ lãi vay thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Từ khi ban hành các chính sách đến nay, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 86 dự án với tổng kinh phí được duyệt gần 68 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Mai Huyền, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân nhằm phát triển và thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tuy nhiên hiện nay việc tiếp cận chính sách và ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất còn rời rạc, thiếu đồng bộ, do đó diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít.
Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh cũng nhận định, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân còn chưa chặt chẽ, dẫn đến giá thành sản xuất sản phẩm cao, khiến người nông dân chưa mạnh dạn để thay đổi phương thức sản xuất. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn sản xuất và giá bán sản phẩm nông nghiệp không ổn định, cũng tạo tâm lý bất an cho người nông dân phải bỏ số vốn lớn để đầu tư sản xuất.
Thúc đẩy hợp tác đa chiều
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian vừa qua đã giúp nông dân an tâm sản xuất nhờ ổn định đầu ra và thu nhập; doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng nông sản.
Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi liên kết còn ở quy mô nhỏ và có những khó khăn như: Nông dân chưa có thói quen và có tâm lý e ngại liên kết, hợp tác; Các chuỗi liên kết thường yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sản xuất về an toàn thực phẩm nhưng nông dân chưa có thói quen, kinh nghiệm sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn và thiếu vốn để thực hiện. Năng lực của một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng nên thị trường tiêu thụ còn thụ động.
Các hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, thiếu sự cam kết giữa các chủ thể tham gia nên dễ bị phá vỡ như: giá thị trường tăng hơn giá hợp đồng đã ký thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường và ngược lại khi giá thị trường thấp hơn giá hợp đồng thì doanh nghiệp không thu mua sản phẩm của người sản xuất. Chưa có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh cho biết, hoạt động liên kết giữa các bên trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân; khi đó nông dân là chủ thể quan trọng khi tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, bắt buộc người nông dân cần phải tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để việc thực hiện chuỗi liên kết được hiệu quả và thông qua các chuỗi liên kết thì Nhà nước sẽ có những chính sách nông nghiệp để người dân được thụ hưởng như giống, vật tư nông nghiệp, phân bón… Trong quá trình tham gia liên kết, từng hội viên sẽ được các chuyên gia cập nhật kiến thức, quy trình canh tác khoa học, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm theo yêu cầu của thị trường yêu.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hợp tác đa chiều thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Tây Ninh sẽ gồm 9 chủ thể cùng nhau liên kết là: Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp, nhà cung ứng đầu vào, nhà phân phối, nhà khoa học, nhà truyền thông, ngân hàng và các hiệp hội. Theo đó, một ngành hàng có càng nhiều chủ thể tham gia hợp tác, liên kết với nhau, hình thức hợp tác càng đa dạng thì càng phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, tại tỉnh Tây Ninh, tình hình liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng mở rộng; tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết đạt 14,5%. Tỉnh đã hình thành được các chuỗi liên kết trên các sản phẩm chủ lực, đặc trưng như: heo, gà, bò thịt, bò sữa, mì, mía, mãng cầu, chuối già, lúa, sầu riêng…
"Để hợp tác, liên kết trong thời gian tới phát huy được hiệu quả, tạo động lực phát triển ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tuyên truyền sâu, rộng về hợp tác, liên kết đa chiều nhằm thay đổi tư duy của các chủ thể, nhất là nông dân, doanh nghiệp để họ nhận thấy lợi ích của việc tham gia các hình thức liên kết, cùng hợp tác phát triển; Các chủ thể tham gia trong chuỗi liên kết phải ý thức được vai trò của mình để có những giải pháp phù hợp thúc đẩy chuỗi phát triển; Đồng thời đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết phải có hợp đồng thể hiện rõ lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia, làm căn cứ thực hiện và xử lý khi không thực hiện đúng hợp đồng", ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
Ngoài ra, các bên tham gia hợp đồng liên kết phải có ý thức, trách nhiệm, cam kết thực hiện đúng các nội dung của hợp đồng, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên. Doanh nghiệp hợp tác xã đầu mối phải có năng lực, tầm nhìn, thường xuyên theo dõi dự báo, cập nhật và nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để chủ động có chiến lược, kế hoạch sản xuất phù hợp, đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm với các thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao.