Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp hàng hóa và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xác định các vùng sản xuất tập trung như: Vùng lúa, rau, lạc, cây ăn quả, vùng cam, bưởi, cây ăn quả khác, cây dược liệu, hoa, cây cảnh, chè, vùng chăn nuôi gà, trâu, bò, dê, ngựa, ong, vùng chăn nuôi thủy sản, rừng tập trung; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ số hóa vùng sản xuất tập trung; xây dựng các sản phẩm chủ lực và đặc trưng, phát triển các sản phẩm OCOP.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng sinh thái, bền vững, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh áp dụng và đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất. Các vùng sản xuất cơ bản được cấp mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu, có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; doanh thu trung bình các vùng sản xuất tập trung, sản xuất ứng dụng công nghệ cao gấp 1,2 - 5 lần sản xuất thông thường; các sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP phát triển tốt.
Các mô hình sản xuất phát triển theo hướng hợp tác xã, trang trại. Hiện nay, toàn tỉnh có 697 HTX và 4 liên hiệp HTX nông nghiệp, tăng 168 HTX so với đầu nhiệm kỳ, 586 trang trại đạt tiêu chí quy định, tăng 134 trang trại so với năm 2020. Các HTX, trang trại đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đối với cây ăn quả.
Trồng trọt có sự thay đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng hàng hóa, trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, có tiềm năng như: Vải, nhãn, na, cam, bưởi, táo, vú sữa...; thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển thương hiệu. Uớc năm 2023 diện tích gieo trồng lúa 106.615 ha, sản lượng ước đạt 613.360 tấn, đạt 99,0% mục tiêu; tỷ lệ sản xuất thâm canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP ước đạt 56,0% bằng 88,3% so với chỉ tiêu Kế hoạch; tỷ lệ sản xuất thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP ước đạt 53,0% bằng 80,0% so với chỉ tiêu Kế hoạch.
Ngành chăn nuôi của tỉnh luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước, sản phẩm chăn nuôi không chỉ phục vụ cho tiêu thụ nội tỉnh mà còn xuất bán khoảng 60% ra các tỉnh lân cận. Chăn nuôi đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Diện tích nuôi thủy sản thâm canh, thâm canh cao, theo hướng VietGAP, an toàn sinh học và tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi tiếp tục được mở rộng. Phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Ước đến hết năm 2023, diện tích nuôi thủy sản khoảng 12.000 ha, đạt 103,4% kế hoạch, trong đó diện tích nuôi chuyên canh đạt 6.050 ha; diện tích nuôi thâm canh cao đạt 1.850 ha. Sản lượng thủy sản ước đạt 53.000 tấn, bằng 96,4% kế hoạch.
Thực hiện phong trào "Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới" với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân. Đến nay, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào có sự lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập người dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng lên. Ước năm 2023, toàn tỉnh có 154/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 84,6%), tăng 30 xã so với năm 2020; có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 30,7%; có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 332 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; số tiêu chí bình quân đạt 17,4 tiêu chí/xã, có 5/9 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt mục tiêu đề ra.
Thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX với doanh nghiệp, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tiềm năng (sản phẩm OCOP) có thế mạnh của tỉnh và của từng địa phương. Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch. Nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Phát triển nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất.