Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh phối hợp Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 6/10, tại TP Hồ Chí Minh.
Xu hướng tất yếu
Ông Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản. TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị khi tập trung vào một số mục tiêu chính là đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ về giống; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất giống và khu nông nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể, từ năm 2004, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Khu Nông nghiệp Công nghệ cao với diện tích hơn 88 ha tại Củ Chi. Đây là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong cả nước và đến nay được xem là một trong những mô hình hoạt động đúng hướng và hiệu quả nhất. Trung tâm Công nghệ sinh học cũng được thành lập cùng thời điểm trên diện tích 23 ha tại quận 12 với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với sự phát triển nhanh và năng động của một đô thị đứng đầu cả nước.
Năm 2013, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi Bò sữa Công nghệ cao tại huyện Bình Chánh chính thức được đưa vào hoạt động tiếp tục tạo dấu mốc mới trong nỗ lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố.
Theo ông Phạm Đình Dũng, tầm nhìn về ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh không chỉ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để sản xuất nông sản hàng hóa mà còn tạo ra các sản phẩm, không gian kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nâng cao giá trị cho kinh tế - xã hội. Từ định hướng và quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố đang tiếp tục mở rộng quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động bao gồm các trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hội nhập sâu với thế giới.
Về các điều kiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh có vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không thuận lợi cho giao thương, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bên cạnh đó, kết hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hệ thống nước ngầm, mạng lưới sông rạch đa dạng, phù hợp cho sản xuất và phát triển một số cây trồng, vật nuôi như rau, hoa kiểng, cá cảnh, bò sữa…
Về thị trường, TP Hồ Chí Minh là đô thị có quy mô dân số lớn, thu nhập và mức chi tiêu của người dân khá cao, trở thành một nơi có sức tiêu thụ tại chỗ rất lớn trong cả nước. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh còn là trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước với hệ thống các viện, trường, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo có cơ sở vật chất ngày càng hiện đại. Cùng đó, tập trung nhiều doanh nghiệp có năng lực, trình độ công nghệ cao trong chế biến, chế tạo. Đội ngũ cán bộ khoa học phục vụ nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp đông đảo đáp ứng yêu cầu về phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt lãnh đạo thành phố luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao và nông thôn vùng ngoại thành. Thành phố đã sớm ban hành nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Xác định đúng thế mạnh
Mặc dù có nền tảng định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ sớm nhưng TP Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh phân tích: Quá trình đô thị hoá cùng với sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế đang khiến quỹ đất và nguồn lực con người cho phát triển nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh giảm liên tục hàng năm.
Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm thành phố giảm 700 ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000 ha dẫn đến đất nông nghiệp bị chia cắt manh mún, thiếu ổn định và sử dụng chưa hiệu quả. Điều này đòi hỏi Thành phố phải có định hướng và chính sách phát triển nông nghiệp làm sao để tối đa hóa hiệu quả sử dụng những nguồn lực hạn hẹp đó cũng như khai thác tối đa tiềm lực và lợi thế so sánh của địa phương.
Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, trong toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từ đầu vào sản xuất (giống/vật tư/máy móc) – sản xuất – thu hoạch – chế biến – tiêu thụ thì TP Hồ Chí Minh không có nhiều lợi thế trong công đoạn sản xuất nông nghiệp truyền thống do hạn chế về nguồn lực đất đai và lao động. Ngược lại, thành phố có lợi thế so sánh nhiều hơn ở các công đoạn trước gieo trồng và sau khi thu hoạch. Cụ thể là ngành sản xuất các nhân tố sản xuất đầu vào như máy móc nông cụ nhờ có ngành cơ khí phát triển; cung cấp giống từ lợi thế có nhiều trường, viện nghiên cứu, trung tâm phát triển giống nông nghiệp. Ở công đoạn sau thu hoạch, TP Hồ Chí Minh có ngành công nghiệp chế biến phát triển mạnh kênh tiêu thụ sản phẩm đa dạng và cửa ngõ xuất khẩu nông sản.
“Xét về khía cạnh hiệu quả, tập trung phát triển các công đoạn kể trên sẽ mang lại giá trị kinh tế rất cao cho thành phố. Vì, các công đoạn trước khi gieo trồng và sau thu hoach thường tạo ra phần lớn giá trị trong chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Và sự đóng góp của những công đoạn này có giá trị ngày càng tăng do sự thay đổi về khoa học công nghệ cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.”, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết: Để chủ động thích ứng với bối cảnh quỹ đất nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh đang bị thu hẹp rất nhanh, ngành nông nghiệp thành phố đã và đang định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng; đồng thời, giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại; hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang lại thu nhập cao cho nông dân.
“Đổi mới khoa học và công nghệ được coi là một trong giải pháp then chốt, trọng tâm cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, cần quy hoạch và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hưởng các ưu đãi của Luật Công nghệ cao. Song song đó, thành phố cũng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững; mở rộng thị trường xuất khẩu, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào một số đối tác, một số thị trường cụ thể. Việc phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ được chú trọng thông qua nâng cao chất lượng đào tạo các lĩnh vực liên quan như sản xuất, quản lý, kiểm định, bảo quản sau thu hoạch.”, ông Đinh Minh Hiệp nêu giải pháp.